1 triệu USD cho Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam
Hội thảo là một phần của việc thực hiện kế hoạch hoạt động 5 năm (2017-2022) cho "Chương trình phát triển công trình xanh và bền vững" nhằm mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển các công trình xanh trên phạm vi toàn quốc hướng tới góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS xanh của Việt Nam.
Trong 5 năm đầu tiên, chương trình sẽ tập trung thực hiện ba nhiệm vụ trọng điểm như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng các góp ý, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành trung ương nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, bộ tiêu chí – tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết thực, hiệu quả, khoa học để thúc đẩy phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam nhanh và bền vững. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức và nhận thức về công trình xanh cho các nhà phát triển BĐS; vận động các nhà phát triển BĐS tham gia tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển công trình xanh của quốc gia. Tổ chức tôn vinh, động viên các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này. Triển khai và phối hợp triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công trình xanh từ đó tăng cường lựa chọn và sử dụng các sản phẩm BĐS xanh.
Nhìn nhận về thực trạng phát triển công trình xanh tại nước ta, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho biết, phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Công trình xanh thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2007 nhưng sau 1 thập niên đến nay chỉ có 60 công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững. Đây là một con số quá khiêm tốn so với những tòa nhà mọc như nấm sau mưa tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua.
Có thể nói, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS.
Đối với Việt Nam, một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu; dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng từ những năm 2000, chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Và để cụ thể hóa chủ trương này, mới đây nhất, chỉ cách đây vài tuần, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Theo một số chuyên gia, công trình xanh tuy là xu hướng tất yếu song vấn đề trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư và ngay cả người mua nhà còn có nhận thức rất mơ hồ. Nhiều chủ đầu tư thậm chí còn suy nghĩ nếu làm công trình xanh chi phí tăng thêm từ 10-20%, điều này hoàn toàn không đúng và cần phải nhận thức lại để thúc đẩy phát triển các sản phẩm theo xu hướng này hiệu quả. Ông Trịnh Tùng Bách, đại diện Capital House, nhìn nhận, những giá trị to lớn mà công trình xanh mang lại cho người sử dụng, chủ đầu tư đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia nói riêng và sự tồn tại bền vững của toàn cầu nói chung vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và đúng đắn tại Việt Nam.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay, đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn để có được chất lượng sống tốt hơn, trong lành hơn. Tuy nhiên, phân khúc nhà giá thấp và trung bình mới là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, trong khi khả năng chi trả của người dân lại hạn chế hơn so với các phân khúc trên.
Đại diện Quản lý công trình xanh của IFC cho biết, các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trong đó sử dụng năng lượng điện chiếm 33% và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Giá trị thị trường xây dựng được dự báo sẽ đạt mức 14 tỷ USD vào năm 2021, trong đó gia tăng phân khúc nhà ở mật độ xây dựng cao và nhà cao cấp có mật độ xây dựng thấp. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tổn thất về vấn đề sinh thái nếu không có biện pháp thúc đẩy công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Tại khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp BĐS như Capital House, Tổng công ty Viglacera, CEO Group, Alphanam, Phúc Khang, Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây... đã tham gia ký giao ước hưởng ứng chương trình trong vòng 5 năm tới. Trong đó, Capital House trở thành đơn vị tiên phong và cam kết tài trợ 1 triệu USD cho chương trình trong vòng 5 năm.