11 Luật, Bộ luật có hiệu lực từ 1/1/2021
Luật Đầu tư được ban hành với mục tiêu tổng thể nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục gồm các nội dung chủ yếu về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (Điều 4); về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; về quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Ảnh minh họa |
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều. Những cải cách quan trọng nhất của luật gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; thúc đẩy thị trường vốn; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp...
Bộ luật Lao động có 17 chương với 220 điều, trong đó, về loại hợp đồng lao động (HĐLĐ), Bộ luật Lao động đã bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Theo đó các bên lựa chọn một trong hai loại HĐLĐ để giao kết là HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn không quá 36 tháng; khi người lao động muốn thôi việc, chỉ phải báo trước cho người sử dụng lao động mà không cần phải có lý do.
Luật Đầu theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định cụ thể về các lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP; quy mô đầu tư; phân loại các dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Luật Chứng khoán gồm 10 chương với 135 điều đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm. Trong đó, mở rộng phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự...
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng; cấp phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật. Đáng chú ý, luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, xã; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật mới...
Luật Thanh niên có 7 chương, 41 điều, sửa đổi toàn diện Luật Thanh niên năm 2005. Luật quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, vai trò, quyền, nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên và các tổ chức khác...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 20/102 điều của luật hiện hành; trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản như về đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội...