Đây là hoạt động thường niên của Liên đoàn các Tổ chức kỹ sư ASEAN nhằm thúc đẩy vai trò của đội ngũ kỹ thuật trong xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững, đa dạng và chủ động thích ứng cao.
TS. Nghiêm Vũ Khải- phát biểu tại cuộc họp báo |
Tại cuộc họp báo Ban tổ chức cho biết, sẽ có 112 kỹ sư Việt Nam được trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp tại CAFEO 38, giúp nâng tổng số kỹ sư Việt Nam được đăng bạ lên đến 322 kỹ sư.
Đại diện Ban tổ chức, TS. Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch- Tổng Thư ký VUSTA cho biết- Việt Nam hiện có số lượng kỹ sư đăng bạ ở mức trung bình so với 10 nước ASEAN, ngành nghề các kỹ sư đăng bạ của Việt Nam tập trung ở các lĩnh vực có mức độ hội nhập quốc tế cao như: Năng lượng, xây dựng, cơ khí… do những lĩnh vực này thường xuyên tham gia các hoạt động đấu thầu quốc tế. Bên cạnh đó công tác truyền thông của chúng ta vẫn hạn chế nên nhiều các tổ chức nghề nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ thông tin để có thể tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các thành viên của mình.
TS. Nghiêm Vũ Khải- Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng – Việc lực lượng kỹ sư Việt Nam đăng bạ còn thấp là do Việt Nam chưa ban hành Luật Kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp. “Cùng với Lào thì Việt Nam hiện là những nước duy nhất trong 10 nước ASEAN tham gia vào tổ chức Kỹ sư ASEAN là chưa ban hành Luật Kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp. Đây cũng là hạn chế trong việc thúc đẩy lực lượng kỹ sư Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập sâu với quốc tế”, TS Nghiêm Vũ Khải cho biết.
CAFEO 38 có chủ đề “Phát huy Sáng kiến và Hành động của Liên đoàn Kỹ sư ASEAN trong xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững và thịnh vượng”, được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với vai trò Chủ tịch, đăng cai tổ chức, có sự tham dự của hàng nghìn kỹ sư chuyên nghiệp cùng lãnh đạo của 10 nước thành viên.
Theo Ban Tổ chức, do Covid-19, hội nghị năm nay được tổ chức trực tuyến với các nước và trực tiếp tại Hà Nội. Tại phiên khai mạc ngày 25/11, có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ. Hội nghị sẽ thảo luận nhằm thúc đẩy vai trò của đội ngũ nhân lực kỹ thuật trong xây dựng cộng đồng ASEAN; các phương thức đổi mới hoạt động giáo dục, đào tạo kỹ sư và lao động kỹ thuật trình độ cao trong ASEAN, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các thành viên cũng chia sẻ về các công nghệ mới, công nghệ thông minh ứng dụng trong ngành năng lượng, công nghệ xanh bảo vệ môi trường, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai vì một ASEAN tự cường. Các giải pháp công nghệ và quản lý trong kết nối cơ sở hạ tầng thông tin, năng lượng và giao thông… được chia sẻ.