Ông Arturo Ardila-Gomez, Trưởng nhóm dự án Ngân hàng Thế giới cho biết, Dự án sẽ cấp vốn xây dựng một hành lang Vận tải xe buýt nhanh nối An Lạc (phía tây bắc) với Rạch chiếc (phía đông nam) thành phố, theo đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, với chiều dài khoảng 23 km và 28 bến đỗ. Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ có năng lực vận chuyển 28.300 hành khách mỗi ngày. Hệ thống được thiết kế với những tính năng đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Dự án cũng sẽ tài trợ 28 xe buýt chạy bằng khí nén tự nhiên, một dạng năng lượng sạch giúp làm giảm khí phát thải và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ cho thấy lợi ích của vận tải xe buýt nhanh, nhằm giúp chính quyền thành phố chuẩn bị xây dựng một mạng lưới trong tương lai gồm 6 tuyến, và đặt cơ sở giúp thành phố đưa ra các thể chế cần thiết để phát triển và quản lý một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ trong tương lai.
Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh, qua đó tạo cơ sở tiến tới thành lập một Cơ quan Quản lý Giao thông Công cộng đồng bộ toàn thành phố với chức năng điều phối chiến lược, dịch vụ và qui định mức phí thống nhất giữa tất cả các loại hình giao thông công cộng.
Tổng chi phí của dự án là 137,45 triệu USD, bao gồm khoản tín dụng của Hiệp hội Phát triển Quốc tế 124 triệu USD. Khoản còn lại 13,45 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khoản tín dụng của Hiệp hội Phát triển Quốc tế có thời hạn là 25 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Các điều khoản của khoản tín dụng hỗn hợp này bao gồm 1,25% lãi, 0,75% phí dịch vụ và 0,5% phí cam kết (có thể được miễn, căn cứ vào quyết định của Ban giám đốc được đưa ra hàng năm).
“Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, Dự án sẽ tập trung nâng cấp một hành lang giao thông chủ chốt nhằm thể hiện tiềm năng của một hệ thống giao thông đô thị bền vững.” - ông Arturo Ardila-Gomez nói.