Theo Ban tổ chức cho biết, từ phát động cuộc thi đến khi kết thúc nhận bài dự thi trong vòng 5 tháng, song Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo độc giả cả nước, đặc biệt là những người đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn Hà Nội.
Qua tổng hợp cho thấy, số lượng bài dự thi năm 2023 là 2.360 bài - gấp gần 5 lần so với năm 2022, và gấp gần 8 lần so với năm 2021. Trong tổng số 2.360 tác phẩm tham dự Cuộc thi có 1.950 tác phẩm của tổ chức, đơn vị và cá nhân, với 24 loạt bài và 2.336 bài đơn lẻ.
Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho nhóm tác giả của Báo Tuổi trẻ Thủ đô với Loạt bài (5 kỳ) “Hồi sinh tài nguyên từ rác ở Thủ đô” |
Các bài dự thi tập trung vào 4 chủ đề chính: Phản ánh và đề xuất các giải pháp phân loại, xử lý rác thải theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Phản ánh cách làm hay, các sáng kiến cải thiện môi trường và hành động đẹp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Hà Nội trong công tác bảo vệ môi trường; Thực trạng và giải pháp đối với sông hồ, làng nghề, hệ thống thoát nước của Thủ đô; Xây dựng phát triển đô thị xanh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông |
Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Thành phố Hà Nội hiện đang nỗ lực để xây dựng Thủ đô thân thiện, văn minh, hiện đại. Nhất là trong thời gian gần đây, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đang quyết liệt hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và đã hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Đây là thời cơ vàng để Hà Nội có điều kiện thực hiện những quyết sách nhằm xây dựng Thủ đô phát triển lớn mạnh, bền vững, trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các bài dự thi đã đáp ứng được mục tiêu đề ra là lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường TP. Hà Nội đến đông đảo cộng đồng ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, có không ít tác phẩm dự thi của các phóng viên, nhà báo, chuyên gia… đã chạm trúng vấn đề trong cải thiện môi trường của Hà Nội, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau, nhưng phần lớn thể hiện rõ nét phong cách báo chí hiện đại – báo chí thời công nghệ số, như: Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory…
Ban Tổ chức trao chứng nhận cho cá nhân, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhì |
Trong số 25 tác phẩm lọt vào Chung khảo, phần lớn là tác phẩm của các phóng viên, nhà báo - những người viết chuyên nghiệp đang công tác tại các cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội, còn lại có nhiều tác giả là cây bút không chuyên nhưng đều là người tâm huyết, làm việc trực tiếp trong lĩnh vực môi trường.
Năm 2023 là năm thứ 3 diễn ra cuộc thi và sự kiện này sẽ trở thành sự kiện thường niên hàng năm của Hà Nội. Ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban Tổ chức chia sẻ: Cuộc thi viết đã từng bước bồi đắp xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, hình thành thói quen, nét đẹp văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội vì một tương lai bền vững.
Ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải |
Đối tượng tham gia năm 2023 phong phú hơn năm trước. Các bài dự thi đều đã thể hiện trách nhiệm, nhiệt huyết của tác giả đối với công tác bảo vệ môi trường Thủ đô. Điều đó cho thấy, sức hút của cuộc thi ngày càng hấp dẫn hơn, có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ.
“Thông qua Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường năm 2023, Ban Tổ chức đã nhận rất nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp và giới thiệu mô hình - cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cho thành phố Hà Nội. Các giải pháp đưa ra được đánh giá có tính thực tiễn khá cao, thể hiện sự tâm huyết của người yêu Hà Nội, mong muốn xây dựng một Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp" - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Định - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội chia sẻ thông tin tại sự kiện |
Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi viết Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2023, ông Vũ Văn Định - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết: "Ước tính lượng rác thải sinh hoạt của thủ đô theo thống kê của UBND TP. Hà Nội hiện nay khoảng 6.000-7.000 tấn/ngày. Trước đây, hầu hết trong số đó được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Cách thức xử lý này không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một nguồn nguyên liệu rất lớn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đó chính là chuyển hóa thành điện năng”.
Ông Vũ Văn Định cho hay: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) được xây dựng với mục tiêu xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, tiên tiến. Ngày 25/7/2022, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn chính thức hòa lưới điện quốc gia, hiện nhà máy đã vận hành cả 3 giai đoạn, 5 lò đốt với công suất 800 tấn/lò/ngày, lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện là 90 MW. Điều này đã góp phần vào việc giải quyết vấn đề môi trường của toàn thành phố”.
Ban Tổ chức trao chứng nhận cho đại diện nhóm tác giả, tác giả đoạt giải Khuyến khích |
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 10 giải khuyến khích. Đồng thời, để ghi nhận những đóng góp của các tập thể và các cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô và Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã quyết định khen thưởng cho 4 tập thể cùng với đó, Ban Tổ chức tặng Giấy khen cho 1 cá nhân và 4 tập thể.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Chương trình năm 2024 |
Tại sự kiện này, Ban Tổ chức đã phát động Chương trình năm 2024, Ban Tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều đóng góp hơn nữa của các cơ quan thông tấn báo chí, các chuyên gia, các tầng lớp Nhân dân… trên địa bàn thủ đô và cả nước để triển khai Chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024” đạt hiệu quả cao.