20 điểm xung đột pháp luật đầu tư kinh doanh cần khắc phục
Theo phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp cũng như rà soát, tổng hợp của VCCI, tình trạng chồng chéo, xung đột các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn của luật này và văn bản hướng dẫn luật khác vẫn diễn ra khá nhiều.
Ảnh minh họa |
Đơn cử, xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai; về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư; về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường...
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Cần có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật nhằm hạn chế tình trạng “cục bộ” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành. Các bộ, ngành, nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho một đơn vị độc lập trực thuộc, ví dụ như vụ pháp chế, viện thuộc bộ… chứ không nên giao cho các vụ, cục… đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép. |
Thực trạng nêu trên đang tác động lớn đến các dự án đầu tư, khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau, chi phí giao dịch tốn kém. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung trùng nhau. Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia.
Về nguyên tắc, luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước, nhưng trên thực tế, bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình. Việc xử lý của cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán, cho nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.
Sự chồng chéo, xung đột các quy định pháp luật cũng khiến thực thi chính sách của cơ quan nhà nước lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ ngành là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ. Chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là một ví dụ điển hình, không chỉ đầu tư công mà cả đầu tư tư nhân cũng bị đình trệ.
Nguyên nhân, theo ông Vũ Tiến Lộc chủ yếu là do pháp luật Việt Nam bị phân mảng mà chưa phải là một hệ thống đồng bộ, minh bạch. Trong quá trình soạn thảo luật, các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn. Thậm chí, có trường hợp còn cố tình co kéo thêm quyền cấp phép, quyền thanh kiểm tra về phía bộ ngành mình.
Ngoài ra, hiện đang thiếu một một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật. Giải quyết xung đột, chồng chéo pháp luật hiện này chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thoả hiệp giữa các bộ, ngành trong quá trình soạn thảo.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung hoặc sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền. Chỉ đạo phối hợp làm việc, chia sẻ thông tin và thống nhất định hướng giữa các ban soạn thảo tại các bộ, ngành để tháo gỡ, ngăn ngừa phát sinh chồng chéo, xung đột trong các dự thảo luật hiện đang nằm trong chương trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai….