Toàn cảnh hội nghị |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phát triển chè bền vững lần thứ 5 và ra mắt dự án "Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng - giai đoạn 2" do Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng nay (28/2), tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch VITAS, một trong những nhiệm vụ đặt ra của ngành chè Việt Nam là phải tiếp tục thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng. Với nhiệm vụ này, trong thời gian qua, hiệp hội đã cùng Bộ NN&PTNT thực hiện dự án “Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng - giai đoạn 1”. Theo đó, hiệp hội đã tăng cường pháp luật về kiểm soát hóa chất nông nghiệp và phát triển bộ tài liệu quốc gia về sản phẩm chè bền vững (NSC). Cùng với đó, hiệp hội đã phối hợp với các địa phương, các DN xây dựng và đào tạo cho hàng nghìn hộ nông dân trồng chè theo tiêu chuẩn chứng nhận Rainforest Alliance (RA) cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất, chế biến hạng A thông qua việc cải thiện hàng loạt hệ thống đánh giá nhà máy tại Việt Nam.
Hiện hiệp hội đang tiến hành triển khai giai đoạn II dự án "Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng” (VUI). Dự án được triển khai từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2017. Mục tiêu của dự án là nhằm đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 15 nhà máy cùng 16.500 nông hộ trồng chè về nông nghiệp bền vững, hướng đến đạt chứng chỉ RA. Sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn chè được sản xuất có trách nhiệm; trong đó khoảng 15.000 tấn được chứng nhận RA, tiếp cận thị trường thế giới và cung ứng cho Tập đoàn Unilever. Hiện dự án mới huy động sự tham gia của 8 doanh nghiệp, còn thiếu 7 doanh nghiệp so với mục tiêu dự án.
Ngoài Dự án VUI, hiện Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đang triển khai dự án “Chất lượng và bền vững của ngành chè Việt” (IDH). Với 40% kinh phí được tài trợ bởi Tổ chức IDH Hà Lan sẽ từng bước nâng cao chất lượng sản xuất chè Việt phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới. Dự án thành lập tổ đội phun thuốc bảo vệ thực vật tập trung cho 13 nhà máy, đào tạo tập huấn cho đội tổ đội phun thuốc tập trung (Agri team) về thuốc bảo vệ thực vật với 3.900 nông hộ. Các doanh nghiệp sẽ được xây dựng và áp dụng mô hình Agri-team (đội BVTV tập trung), giúp doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng thuốc tại vùng trồng chè, tư vấn cho doanh nghiệp về loại thuốc thay thế đúng.
Ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam đánh giá, sau hơn 3 năm triển khai mô hình hợp tác công - tư phát triển chè bền vững tại Việt Nam, chất lượng chè Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Trước khi triển khai mô hình hợp tác công tư, mỗi năm Unilever chỉ nhập được khoảng 4.500-5.000 tấn chè Việt Nam. Nhưng nay, Unilever đã nhập được khoảng 11.000 tấn. Qua các mô hình PPP, hy vọng thời gian tới chất lượng chè Việt Nam tiếp tục được nâng cao và Unilever có thể nhập được 20.000 tấn chè từ Việt Nam.