Sau hơn ba năm triển khai, dự án đã tạo sức lan tỏa rộng rãi và những thay đổi đáng ghi nhận. Tại 12 tỉnh/thành phố nơi dự án được thực hiện: Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, TP Hồ Chí Minh, khoảng 2.000 giáo viên đã tham gia các lớp tập huấn tập trung và trực tuyến, và khoảng 200.000 học sinh được làm quen với tài liệu Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính với nội dung và phương pháp dạy học mới mẻ, hấp dẫn.
Trong năm học 2018 - 2019, nhằm mở rộng nhóm đối tượng hưởng lợi, tạo điều kiện cho học sinh khắp các vùng miền đều có cơ hội tiếp cận với chương trình đào tạo, nội dung tài liệu Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính đã được số hóa dưới hình thức các khóa học trực tuyến mang tính tương tác cao trên cổng thông tin dự án tại địa chỉ . Bên cạnh đó, nền tảng học trực tuyến còn bao gồm các khóa học bồi dưỡng kiến thức và phương pháp giảng dạy cho giáo viên, đồng thời cung cấp tài liệu giảng dạy để thầy cô giáo tiếp tục tham khảo triển khai hướng dẫn học sinh. Các khóa bồi dưỡng dành cho giáo viên đồng thời cũng được cung cấp trên cổng thông tin học tập trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại .
Ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - nhấn mạnh: “Với tài liệu cập nhật, cách truyền đạt mới mẻ, phương pháp tổ chức ngoại khóa linh hoạt đã truyền hứng khởi, đam mê học tin học cho học sinh các vùng khó khăn ở 12 tỉnh, thành phố. Kết quả và kinh nghiệm dạy học ngoại khóa môn tin học của Dự án không bị hạn chế ở các địa phương, các trường tham gia dự án mà đã lan tỏa đến nhiều địa phương, nhà trường khác. Với đà đó, tôi tin tưởng rằng hứng thú, đam mê học tin học sẽ tiếp tục được nhân rộng mở ra cơ hội học tập, cơ hội hội nhập và phát triển cho các em học sinh trên cả nước, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay”.
Dựa trên những hiệu quả tích cực của chương trình và nội dung kiến thức mang tính thực tiễn có thể áp dụng vào nhiều hoạt động trong cuộc sống, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai tập huấn nhân rộng dự án tại các địa phương. Cụ thể, các Sở Giáo dục và Đào tạo tại 10 tỉnh/thành phố đã chủ động triển khai nhân rộng đào tạo mới cho 937 giáo viên về nội dung và phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, trong năm học 2018 – 2019, cùng với chiến dịch #MakeWhatNext (Nữ giới với công nghệ) và Sân chơi giao lưu sản phẩm CNTT, dự án tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức Giờ lập trình, thu hút sự tham gia tích cực của 722 giáo viên, 136.000 học sinh đến từ 446 trường học tại 26 tỉnh thành trên mọi miền đất nước. Từ việc quan sát phần mềm học tập “Typing Test”, Trần Thị Ra Vi – nữ sinh Khmer trường THCS DTNT Long Phú - Sóc Trăng - đã sáng tạo và lập trình cho riêng mình trò chơi học tập “Gõ phím nhanh thật dễ dàng” bằng ngôn ngữ Scratch, giúp các bạn trong trường cùng rèn luyện khả năng sử dụng bàn phím thành thạo. Sản phẩm của Ra Vi đã vượt qua hàng trăm sản phẩm ấn tượng khác để dành giải Sản phẩm xuất sắc trong Sân chơi giao lưu sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) năm học 2018 – 2019, thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển”...
Bà Lê Hồng Nhi – Giám đốc chương trình phát triển cộng đồng của Microsoft khu vực Đông Nam Á - cho biết: “Microsoft mong muốn đóng góp vào sự phát triển dài hạn của giáo dục tin học tại Việt Nam thông qua dự án này, nhằm tạo ra một thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo và năng động.”
Ông Waris Candra, Giám đốc Microsoft Foundation, APAC chia sẻ tại Hội thảo tổng kết kết quả triển khai Dự án |
Hội thảo Tổng kết kết quả Dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” năm học 2018 – 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 27/9/2019 với sự tham gia các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, các tổ chức đối tác trong lĩnh vực giáo dục số, nhà trường, giáo viên và học sinh xuất sắc đã tổng kết kết quả triển khai dự án, tôn vinh sản phẩm tham gia sân chơi Giao lưu sản phẩm CNTT năm học 2018 – 2019 đồng thời ghi nhận đóng góp tích cực của các Sở Giáo dục và Đào tạo.