2011 - Nhiều thuận lợi ngành da giày
Ảnh minh họa: internet
- Thị trường rộng cửa
Đầu năm 2010, hầu hết các chuyên gia đều đưa ra nhận định rằng đây là một năm khó khăn cho ngành da giày VN với nhiều lý do. Trước hết, hai khối nước nhập khẩu chính của ngành là EU và Hoa Kỳ vẫn còn tiếp tục chìm trong suy thoái, bên cạnh đó, ngành còn bị tiếp tục áp thuế bán phá giá thêm 18 tháng và đang bị một số thị trường mới như Brasil, Mexico, Argentina dọa kiện bán phá giá... Rồi đến giữa năm, tình hình lãi suất tăng cao, khả năng lạm phát hai chỉ số, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao... đã làm cho những nhận định như vậy càng có thêm cơ sở!
Tuy nhiên, với những gì đạt được vào cuối năm 2010 đã cho thấy ngành da giày VN không những có sức chịu đựng giỏi mà còn có sức bật tốt. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt gần 5,1 tỷ USD, tuy còn thấp xa so với mức kỳ vọng 5,5 tỷ, nhưng bấy nhiêu đó đã đủ lập lên những con số ấn tượng. Da giày đã vượt lên dầu thô để đứng hạng thứ 2 về xuất khẩu, chỉ thua dệt may. Và nằm trong nhóm có mức tăng trưởng xuất khẩu cao của cả nước với mức tăng trưởng gần 25%.
Tuy chưa thể gọi thần kỳ, nhưng với những khó khăn trong năm 2010, phải thẳng thắn nói rằng đây là một kết quả của sự nỗ lực hết sức lớn của các doanh nghiệp (DN) trong ngành da giày VN (chúng tôi vẫn thích gọi bằng từ “dân làm giày”).
Khả năng EU xem xét và chấm dứt sự áp đặt thuế chống bán phá giá vào tháng 4 năm 2011, hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng EU sẽ tiếp tục duy trì việc áp thuế với lý do chính là phần sản xuất trong khối EU vẫn còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng việc áp thuế sẽ sớm được tháo dỡ. Các tín hiệu ngày càng tốt lên từ thị trường Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia kỳ vọng VN có thể sẽ được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan từ Hoa Kỳ.
Trước mắt Hoa Kỳ vẫn là thị trường mà ngành da giày VN còn nhiều cơ hội để khai thác mở rộng. Nhiều thị trường khác cũng đang rộng mở với ngành da giày VN, ngay cả thị trường ASEAN, thị trường nội địa với lợi thế sân nhà và nhu cầu tiêu dùng đang nâng cao sẽ là những cơ hội cực kỳ to lớn, đặc biệt với các DN có vốn trong nước với quy mô vừa và nhỏ khó cạnh tranh vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ hoặc các thị trường ở xa.
Đó là chưa kể các lợi thế rất lớn về chính sách thuế quan, kể cả những thị trường khó tính như Nhật Bản và sắp tới chính thị trường Trung Quốc cũng mở rộng cửa hơn.
Sự ra đời Quyết định số 6209/QD9-BCT của Bộ Công thương phê duyệt chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày VN đến 2020, tầm nhìn đến 2025 sẽ là một động lực lớn để phát triển ngành da giày VN. Đặc biệt, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo nguồn nguyên liệu giúp cho sự phát triển bền vững.
“Chịu đòn” và bứt phá
Bên cạnh những niềm tin trên, các DN trong ngành cũng không khỏi băn khoăn lo lắng cho tương lai trong năm 2011. Thứ nhất, sự bất ổn vĩ mô trong vài năm qua đã đẩy lãi suất ngân hàng ngày càng cao khiến nhiều DN lo ngại vay vốn đầu tư phát triển. Đây là khó khăn chung mà ngành da giày không thể nằm ngoài cuộc, nhiều DN đã phải tạm gác dự án phát triển do lo ngại lợi nhuận tạo ra không đủ trả nợ. Tình hình này xem chừng chưa có giải pháp nào khả thi cho năm 2011.
Nghệ nhân Vũ Chầm có nói một câu mà dân làm giày chúng tôi nhớ mãi: “Nghề giày này không phụ ai hết, chỉ có con người phụ nghề thôi, bao nhiêu người làm giày ở quận 4 (TPHCM), ở Hải Dương, ở làng giày Phú Yên... không ai đói cả, chỉ có ai làm giày tài tử (ý nói không làm hết mình) mới đói mà thôi”. |
Việc kiểm soát lạm phát không tốt đã khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn trong gần 3 năm qua. Với mức tăng giá hàng năm gần 20% đối với các loại sản phẩm thiết yếu cho đời sống hàng ngày như gạo, đường, thịt cá... cũng khiến cho nhiều DN phải hụt hơi trong việc tăng lương giữ công nhân.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động phải từ bỏ công việc tại các thành phố để về làm việc tại quê nhà nhằm giảm bớt chi phí. Giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm do VN vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là các nguyên liệu cao cấp.
Như vậy, bước vào đầu năm 2011, “dân làm giày VN” đang đứng trước một bước tranh mà màu hồng của hy vọng và màu tím của thất vọng còn lẫn lộn đan xen. Nhưng với phần lớn “dân làm giày VN” thì hồng vẫn hơn tím!
Một DN hội viên ở TPHCM nói rằng, nếu so với 2010 thì năm 2011 này xem ra còn đỡ tồi tệ hơn, DN của anh đang có kế hoạch mở rộng nhưng anh vẫn thận trọng, “Mình phải chuẩn bị sẵn mọi thứ từ việc định vị thêm thị trường, khách hàng, rồi mua thiết bị ở đâu rẻ mà tốt nhất, mọi thứ đều tương đối sẵn sàng, có cơ hội là phất ngay chứ không chờ đến khi có cơ hội mới bắt đầu tìm hiểu thì chậm mất!”.
Một DN khác ở Bình Dương cho biết “dân làm giày bị bầm giập mấy năm nay rồi, lớp EU, Canada đánh, lớp Mexico, Brasil dọa... riết rồi cũng quen, bây giờ trở nên lì đòn rồi và thấy 2011 này là quá tốt để ra trận”.
Xem chừng phần lớn “dân làm giày VN” có vẻ hứng khởi với năm 2011. Xin chúc mừng một năm mới thật sự thịnh vượng cho ngành da giày VN, chúc cho gần 1 triệu con người từ các nhà máy sản xuất giày, sản xuất da, sản xuất đế và phụ liệu cũng như từ các công xưởng sản xuất bao bì, da chặt, khuôn đế... có công ăn việc làm suốt năm, có thu nhập ngày càng cao để luôn bám xưởng, bám nghề.
SGGP