235 thủ tục hành chính được kết nối Cơ chế một cửa quốc gia
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tính từ khi triển khai (1/2018) đến ngày 20/9/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 413.887 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.079.798 C/O.
Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia |
Tính chung sau hơn 2 năm kết nối chính thức đến tháng 9, số lượng chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử được trao đổi qua Cơ chế một cửa ASEAN tăng từ 4.445 C/O trong năm 2018 đến 1.493.685 C/O đến tháng 9/2021 (tăng 336 lần).
Đối với trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành việc phát triển các chức năng phục vụ cho việc kiểm thử trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và đang phối hợp với các nước để kết nối qua môi trường thử nghiệm.
Từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN với Indonesia, Brunei, Lào và các nước ASEAN khác có sự sẵn sàng kết nối.
Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu. Hiện đã hoàn thành trao đổi thông tin thử nghiệm qua kênh truyền Internet mở cũng như hoàn thành thiết lập kênh kết nối an toàn và đang trong quá trình chuẩn bị để trao đổi thử nghiệm qua kênh kết nối an toàn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại từ nay đến cuối năm 2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất vào quý I/2022, hoàn thành triển khai chính thức 35 thủ tục hành chính theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Bộ Công Thương: 6 thủ tục; Bộ Giao thông vận tải: 1 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 3 thủ tục; Bộ Quốc phòng: 6 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 1 thủ tục; Bộ Y tế: 15 thủ tục; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: 1 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: 1 thủ tục; Liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải phối hợp: 1 thủ tục.
Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong kết nối dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với Cơ chế một cửa quốc gia. Hiện Bộ đã kết nối 17 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong 06 tháng đầu năm 2021 là 142.700 hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 103.664 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.