"Đột phá khẩu" đầu tiên trong hội nhập
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc gia nhập ASEAN năm 1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Với Việt Nam, trong nhiệm vụ thuở ban đầu đưa đất nước phá thế bao vây, cô lập, ASEAN được xem là "đột phá khẩu" đầu tiên trong hội nhập.
Hiện nay, Việt Nam đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. |
“Chúng ta đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Ở những giai đoạn sau, hội nhập và tham gia của Việt Nam trong ASEAN gắn liền với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” tới trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN và nay là phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”.
Việt Nam từng bước khẳng định là một phần không thể tách rời của ASEAN và khu vực Đông Nam Á, gắn sự phát triển của đất nước với ASEAN và mong muốn gánh vác công việc chung của ASEAN. Chính sách đối với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về đối ngoại, đặc biệt là Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Thực tế, việc gia nhập ASEAN đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng, thiết thực. Theo đó, thứ nhất, ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tham gia ASEAN giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, huy động các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao sức mạnh tổng hợp. Tiếp sau quá trình tham gia ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTAs thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, ODA, qua đó giúp cho kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm.
Thứ ba, hội nhập ASEAN giúp Việt Nam từng bước nâng tầm ngoại giao đa phương, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN đã và đang giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng như Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), đăng cai Cấp cao APEC (năm 2006, năm 2017), tích cực tham gia xây dựng các “luật chơi” quốc tế, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đối phó với đại dịch Covid-19...
Thứ tư, quá trình tham gia ASEAN 25 năm qua đã rèn luyện, đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ đối ngoại, nhất là cán bộ làm công tác đa phương của Việt Nam; giúp Việt Nam ngày càng vững vàng hơn khi vươn ra "biển lớn" - hội nhập toàn cầu.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm qua của ASEAN đã diễn ra thành công vào ngày 26/6/2020 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Việt Nam |
Tích cực tham gia, chủ động và gắn kết
Ngay sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để các nước ở Đông Nam Á còn lại (Lào, Myanmar và Campuchia) gia nhập ASEAN, qua đó giấc mơ về một ASEAN gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực.
Việt Nam đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12-1998); tiếp đó, đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020…
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong 7 tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ASEAN đã đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020, vượt lên các khó khăn, thách thức, bước đầu kiểm soát đại dịch Covid-19, đồng thời sớm tiến hành khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển.
“Cái cách mà ASEAN vượt qua những sóng gió bất ngờ và không có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “…các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.