3 vấn đề đặt ra cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cách mạng công nghiệp 4.0
Sáng 28/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chủ trì hội thảo gồm: ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhằm hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 và định hình mô hình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược và quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. |
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được đặt ra tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội 6 đến Đại hội 13, đã có những thay đổi quan trọng về nhận thức, lý luận, tạo bước ngoặt cho sự phát triển.
PGS.TS Vũ Hải Quân cũng cho biết, từ những chủ trương chính sách của Đảng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta đã thu được những một số thành tựu quan trọng: Công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn: Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân; gia tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26.6% năm 2011 đến 28.5% vào năm 2019.
Cơ cấu ngành công nghiệp có sự dịch chuyển ngày càng tích cực; góp phần chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được.
"Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dệt may, khởi nguồn từ nhà máy dệt Nam Định. Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp luyện kim, gắn với khu gang thép Thái Nguyên. Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp mía đường, ngành công nghệ hóa dầu, ngành công nghiệp phần mềm… Nhưng những kết quả đạt được đến thời điểm này vẫn còn hạn chế. Đất nước chưa có nhiều những doanh nghiệp, những thương hiệu khoa học công nghệ mang tầm khu vực và quốc tế", TS. Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
TS. Vũ Hải Quân cũng cho rằng, có ba vấn đề đặt ra cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, thứ nhất là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước; thứ 2 là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến ví dụ công nghệ 5G trên điện thoại di động. Con người không chỉ giao tiếp bằng lời nói và chữ viết như trước. Giờ đây, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho hình thức giao tiếp với mạng xã hội, với nhiều loại thiết bị, robot khác; thứ 3 là xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ, chưa có trong đó 3 cuộc cách mạnh công nghiệp trước. Một trong số những câu hỏi đó là khả năng bị thay đổi của con người về hành vi, về cảm xúc, về nhân cách... trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, của robot, của tiến trình tự động hoá.