Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định RCEP Hiệp định RCEP: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN |
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký năm 2020 giữa ASEAN với 5 nước đối tác Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu. RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế trong 20 năm kể từ khi có hiệu lực, tốc độ cắt giảm ở các nhóm ngành khá khác nhau.
RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết đã có trong khuôn khổ các FTA trước đây của ASEAN với các nước đối tác kể trên (ASEAN+6). RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, tốc độ cắt giảm ở các nhóm ngành khá khác nhau.
Ngoài các cam kết của một FTA truyền thống, RCEP còn có thêm các cam kết về thương mại điện tử, viễn thông, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), mua sắm công... Cùng với đó, việc hài hòa hóa nguồn gốc xuất xứ khu vực với việc áp dụng phương pháp cộng gộp tỷ lệ xuất xứ đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích trong xuất khẩu nội khối.
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định RCEP được thực thi đã tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
"Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động, gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Cùng với đó, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực", ông Lương Hoàng Thái khẳng định.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang khu vực RCEP đạt khoảng 146,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% và chiếm 41,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 72,9 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023 và chiếm 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính riêng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản: Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi Hiệp định) đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021 (Australia tăng 49,2%; Nhật Bản tăng 27,5%; ASEAN tăng 20,4%…).
Năm 2023, Indonesia tăng 4,5 lần so với năm 2022; Philippines tăng 15,7%; Trung Quốc tăng 15,8%... 6 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ 3 nước trong ASEAN (Lào, Myanmar, Brunei), kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường còn lại trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, những năm qua, ngành nông nghiệp đã vươn lên thành nền kinh tế năng động, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Việt Nam vào top 15 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản thế giới.
"Để đạt được thành tích to lớn trên, không thể không nhắc đến vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và ký kết, trong đó có hiệp định RCEP", ông Phùng Đức Tiến nói.
Tiến sĩ David Dollar - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ) phân tích rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và biến động chính trị trên toàn cầu, RCEP có vai trò như một cầu nối quan trọng, giúp các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương duy trì thương mại tự do và hạn chế phụ thuộc vào các thị trường ngoài khu vực. Ông cho rằng RCEP, thông qua việc giảm rào cản thuế quan và tăng cường hợp tác, sẽ giúp khu vực tăng cường nội lực kinh tế.
Khi RCEP có hiệu lực, thương mại và đầu tư lẫn nhau và mức độ hội nhập kinh tế giữa các thành viên đã tăng lên. Đồng thời, sức mạnh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng được củng cố. Các doanh nghiệp trong nước và khu vực sẽ được hưởng một môi trường kinh doanh khu vực với ít rào cản đầu tư hơn và thuế quan thấp.
Việc thực hiện hiệp định đã giúp chuỗi cung ứng khu vực ứng phó tốt hơn với các tác động bên ngoài. Quy tắc xuất xứ là tiêu chí cần thiết để xác định nguồn gốc quốc gia của một sản phẩm. Tầm quan trọng của chúng xuất phát từ thực tế là các loại thuế và hạn chế có thể phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Các thông lệ của chính phủ về quy tắc xuất xứ rất khác nhau. Những nỗ lực này sẽ đảm bảo việc thực hiện suôn sẻ khi hiệp định RCEP có hiệu lực.
Khẳng định RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam sẽ trở thành một "mắt xích" của chuỗi cung ứng đó, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
RCEP tạo ra cơ hội để Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất, khắc phục tình trạng gia công hiện nay bằng cách: Thúc đẩy mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô, thu hút đầu tư các ngành sản xuất thượng nguồn để cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất lao động; tăng cường chuyên môn hoá vào các ngành mà Việt Nam đang có lợi thế.
Từ đó, "lôi kéo" thêm nhiều FDI trong chuỗi cung ứng đến Việt Nam; giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ trong RCEP, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan với các đối tác trong RCEP. RCEP cũng tác động lớn đến chuỗi cung ứng ngành điện tử, chuỗi cung ứng ngành sản xuất ô tô, chuỗi cung ứng ngành dệt, may mặc ở Việt Nam.
Theo ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Khoa Kinh tế, Đại học Công đoàn, dù mang lại nhiều cơ hội, song việc thực thi RCEP cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ta.
Thứ nhất, RCEP sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cả ở thị trường trong nước và các thị trường trong khối đối với một số ngành. Ví dụ như đối với mặt hàng nội thất, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu lượng lớn mặt hàng này từ Trung Quốc.
Với các mức ưu đãi thuế cam kết trong RCEP, các doanh nghiệp lĩnh vực nội thất nước ta sẽ phải chịu sức cạnh tranh lớn ngay tại thị trường nước nhà do lượng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, mặt hàng nội thất của Việt Nam cũng phải đối mặt cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc do mức thuế ưu đãi của Nhật Bản dành cho nước ta và nước bạn là khác nhau.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng với vấn đề gian lận thương mại. Do khi thực thi cam kết của RCEP, mỗi nước có ưu đãi thuế quan khác nhau trong cùng một nhóm hàng, nên cũng có quy tắc xuất xứ riêng cho các mức ưu đãi khác nhau, tạo nên sự khác biệt về ưu đãi thuế quan. Điều này dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài gian lận thương mại, lách quy tắc xuất xứ để được hưởng mức ưu đãi thuế quan tốt hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tình trạng lạm dụng rào cản phi thuế hay các chính sách thiếu minh bạch, ổn định tại các thị trường nội khối.
Để tận dụng tốt những cơ hội mà RCEP mang lại, không chỉ là bán những cái mình có, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, tạo thói quen chủ động tìm hiểu bài bản nhu cầu và các quy định cam kết tại thị trường đối tác RCEP cũng như cần có thói quen thích nghi với sự thay đổi chính sách.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cao năng lực xuất khẩu, không chỉ tập trung cạnh tranh về giá mà còn là câu chuyện nâng cao chất lượng, để đạt được những yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa đang có xu hướng gia tăng tại các thị trường RCEP. Cần lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển, đồng thời chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa…
Thứ ba, các doanh nghiệp không nên tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình để tạo nhiều "menu" lựa chọn khác nhau, từ đó gặt hái tối đa những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Thứ tư, cần tận dụng cơ hội chuyển giao khoa học công nghệ từ nước ngoài và có sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để tạo nên một cộng đồng vững chắc cùng nhau phát triển.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) khẳng định, Hiệp định RCEP thúc ép chúng ta phải có những thay đổi.
"Để tận dụng được cơ hội về thuế quan thì các thủ tục phải thuận lợi hơn", bà Trang nhấn mạnh và cho rằng, sức ép và thách thức từ RCEP cũng chính là động lực.
Bên cạnh nhiều cơ hội lớn, RCEP là một hiệp định mới cũng mang tới những thách thức với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhanh hơn và đầy đủ hơn chứ không phải với một tầm nhìn ngắn hạn như trước đó để phát triển bền vững.
"Bản thân doanh nghiệp cũng nhận ra rằng hiện nay họ không phải kinh doanh với một thị trường mà kinh doanh với thế giới. Những thị trường tưởng dễ tính đã không còn dễ tính, doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng với những thách thức mới.
Đồng thời, cần cải cách môi trường kinh doanh để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bởi những cạnh tranh từ đối tác RCEP sẽ mạnh hơn nhiều không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài", bà Trang phân tích.
Nội dung: Nguyên Thảo - Cao Nhung Kỹ thuật, đồ họa: Hương Giang |