CôngThương - The Voice là show truyền hình ăn khách nhất của năm 2012 trên hệ thống kênh giải trí của VTV. “Hiệu ứng sính ngoại” của khán giả trẻ là nhân tố chính làm nên thành công của chương trình, cộng thêm không ít scandal đã đẩy The Voice Việt lên top show truyền hình được chú ý nhất năm, đưa Vietnam Idol xuống vị trí thứ yếu.
Nhưng khán giả được lợi gì từ show ca nhạc này ngoài yếu tố mới lạ về phần nghe nhìn? Liệu chất lượng của nó có đủ để đáp ứng kỳ vọng của những người thực sự yêu nhạc Việt và mong muốn tiếng hát Việt bay cao trên trường quốc tế khi mà quyền quyết định người thắng cuộc lại nằm trong tay fan của chính ca sĩ đó?
Nguyên nhân chủ yếu khiến The Voice Việt mùa 2 nhạt nhòa chắc chắn là nằm ở yếu tố chất lượng của thí sinh. Không có thí sinh nào ở mùa này có thể được xem là “hiện tượng” như Bùi Anh Tuấn hay gương mặt mới Hương Tràm mùa trước. Hầu hết các thí sinh được dự đoán từ đầu sẽ vào vòng trong đều đã nhẵn mặt với các cuộc thi bán chuyên hay là từng đi hát ở rất nhiều tụ điểm âm nhạc trước đó như Nhật Thu, Dương Hoàng Yến, Nguyễn Xuân Lân, Hoàng Tôn, Hà Mi, Vũ Cát Tường, Lê Nguyệt Anh, Tiến Bắc, Nguyễn Ngọc Trâm, Lê Gia Bảo, Nguyễn Văn Viết, Phạm Hà Linh…
Hà Linh - Gương mặt cũ tìm cơ hội mới tại The Voice. |
Từ đó cho thấy sân chơi The Voice dần mất đi chất riêng: Là nơi phát hiện những giọng hát khủng nhưng chưa từng được biết đến. Và quyết định chọn ai vào vòng tiếp theo của các HLV đã không còn bất ngờ trước khi kết quả được công bố. Với những diva hàng đầu của Việt Nam là Mỹ Linh, Hồng Nhung cộng với một nhà sản xuất thâm niên như Quốc Trung, sự chọn lựa của họ chắc chắn là dành cho những thí sinh đã có kinh nghiệm trên sân khấu hơn là những thí sinh tay ngang.
“Hiệu ứng sính ngoại” phản tác dụng trong mùa thứ hai này. Sử dụng các ca khúc ngoại để biểu diễn với cách thể hiện thiên nhiều về khoe giọng đã khiến khán giả ngán ngẩm. Với trình độ thẩm âm của khán giả ngày nay, rất dễ để phát hiện những giọng ca yếu, kém ngoại ngữ và cả văn hoá chọn bài. Tuy nhiên, với các thí sinh ngày nay thì yếu tố chọn các bài “hit” để thể hiện quan trọng hơn việc tìm bài hát phù hợp với chất giọng, đó là lý do khiến hầu hết các phần trình diễn ca khúc ngoại đều bị so sánh và thất bại.
Sự thể hiện một màu trong phong cách hát của các thí sinh cũng khiến The Voice Việt mùa 2 đi xuống về khả năng thu hút khán giả. Người ta dễ dàng nghe thấy những điểm nhấn nhá vốn là đặc sản của các bậc anh chị đi trước trong các phần trình diễn của Dương Hoàng Yến, Hoàng Tôn, Nhật Thu, Hà Linh… Sự sáng tạo và chất riêng của các thí sinh ở mùa này là không nổi bật đã tạo nên sự nhàm chán đối với khán giả vốn luôn đòi hỏi sự tươi mới. Không những vậy, sự một màu của các HLV trên sân khấu cũng gây sự mệt mỏi cho người xem. Lấy ví dụ như Hồng Nhung với những lời nhận xét chau chuốt, chung chung hay Mỹ Linh luôn áp dụng chiến thuật “cùng quê” để lôi kéo thí sinh đã khiến chương trình không còn kịch tính như mùa đầu.
Mỹ Linh trong một màn thuyết phục thí sinh. |
Một yếu tố không thể không nói đến là sự cạnh tranh của The Voice Kids đang phát sóng song song. Đây là sân chơi mới và hoàn toàn làm ngây ngất khán giả bởi sự hồn nhiên, trong trẻo của các thí sinh nhỏ tuổi. Chỉ với một “hiện tượng dân ca” Phương Mỹ Chi cũng đủ sức kéo rating chương trình vượt lên tất cả các show ca nhạc đồng phát sóng hiện nay. Ngoài ra, The Voice Kids cũng không có sự đặt nặng thắng thua như The Voice Việt vì thế việc khán giả nghiêng hẳn sự quan tâm và yêu mến dành cho Giọng hát Việt nhí là điều dễ hiểu.
Tổng thể, với một thị trường âm nhạc rộng rãi như hiện nay thì các show ca nhạc như The Voice chỉ được xem là một món ăn nhẹ, có thưởng thức hay không cũng không quá quan trọng với khán giả. Dự đoán rằng khi The X Factor phiên bản Việt ra đời, các thí sinh cũ của The Voice sẽ một lần nữa lại xuất hiện tại sân chơi mới đó. Một vòng tuần hoàn của cái mới lại ra đời và dần loại bỏ đi những sản phẩm cũ không còn được ưa chuộng.
Và cứ như thế, những tài năng âm nhạc đích thực thì vẫn chưa xuất hiện, những kỳ vọng lớn về một “Tiếng hát Việt” có thể toả sáng tại các đấu trường thế giới vẫn mãi là một giấc mơ dài.