Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với bảo vệ rừng |
Theo đó, kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng được ưu tiên phát triển hàng không, đường sắt.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, vùng Tây Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải đường hàng không, đường sắt nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
5 tỉnh vùng Tây Nguyên được ưu tiên phát triển hàng không, đường sắt |
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu thúc đẩy kết nối hoạt động vận tải trong thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh trong vùng Tây Nguyên nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, Bộ này còn yêu cầu đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế về vận tải đã ký kết, tham gia; nghiên cứu sửa đổi thỏa thuận, điều ước quốc tế đã ký kết (nếu cần thiết) nhằm tăng cường kết nối, tạo thuận lợi qua biên giới.
Để thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ ra các giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn cho quản lý phát triển thị trường vận tải; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành; nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về vận tải.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động vận tải của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kiên quyết xử lý các phương tiện không bảo đảm các điều kiện về đăng ký, đăng kiểm để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải.