6 tháng đầu năm: Ngành Công Thương nhiều điểm sáng, tạo động lực cả năm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy tại Hội nghị giao ban trực tuyến, sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra ngày 9/7, tại Hà Nội.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao
Nhận thức rõ vai trò của ngành trong kinh tế cả nước, ngay từ đầu năm 2018, các nhiệm vụ của ngành Công Thương đã được triển khai tích cực, bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị ngay từ đầu năm. Nhờ đó, tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trong nửa đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%. Ngành khai khoáng giảm 1,3%, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu của ngành. Kết quả tăng trưởng nửa đầu năm đã tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).
Với các ngành cụ thể, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 91,78 tỷ kWh, tăng 10,65%, cao hơn con số Chính phủ giao là 10,5%, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng điện cho sản xuất công nghiệp tăng 11,65%, cao hơn cùng kỳ năm trước (11%), cho thấy sản xuất có tăng trưởng.
“Bên cạnh mức tăng của điện cho sản xuất, đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc khiến nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, với việc đẩy mạnh sản xuất, bổ sung thêm các nguồn mua ngoài, EVN đảm bảo sẽ cung ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng” - ông Thành nhấn mạnh.
Riêng ngành hóa chất, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thông tin, trong 4 đơn vị thua lỗ thuộc tập đoàn, hiện nay đã có một đơn vị có lãi 83 tỷ đồng sau 6 tháng; 2 đơn vị giảm lỗ với mức giảm 150 tỷ đồng so với năm ngoái, giúp lợi nhuận tập đoàn tăng lên. “Kết quả này có được nhờ các DN đã chủ động xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu, giảm lao động dôi dư. Ước tính, có khoảng 50% doanh thu cắt giảm được do giảm chi tiêu; 50% do tác động giá bán” - ông Cường cho hay.
Thương mại- nhiều điểm sáng
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thành quả của ngành Công Thương đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu vĩ mô, ổn định kinh tế |
Tình hình XNK của nước ta trong những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có nhiều điểm sáng. Cụ thể, kim ngạch XK 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 6, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD.
Đánh giá về những thành quả của hoạt động XNK, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, điểm đáng mừng là thời gian qua, các tín hiệu của thị trường đã được DN quan tâm, nắm bắt, từ đó chủ động đầu tư công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, tạo đầu ra cho XK. Bộ Công Thương cũng tích cực tập trung cải cách hành chính, rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho XK. “Đơn cử, đầu năm 2018, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Đây là nghị định không có thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại khu vực biên giới” - ông Phan Văn Chinh khẳng định.
Về phát triển thị trường nước ngoài, nhiều thị trường có sự tăng trưởng rõ ràng. Ví dụ ASEAN, trung bình các năm trước tăng từ 10 -11% nhưng nửa đầu năm nay tăng đến 17%. Thị trường Trung Quốc được xác định là thị trường trọng tâm, 6 tháng đầu năm đã tăng đến 30%, là đột phá trong phát triển thị trường. Các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Úc, New Zealand, Nga… cũng tăng trưởng mạnh, cho thấy các FTA đã bắt đầu mang lại hiệu quả lớn cho thương mại.
Cùng với sự tăng trưởng cao của XK, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã đạt 2.120.895 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
Điểm nhấn trong cải cách hành chính
Ông Trần Hữu Linh cho biết, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đặc biệt đến công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính |
Ông Trần Hữu Linh- Chánh Văn phòng Bộ Công Thương thông tin, trong những năm qua, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đặc biệt đến công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính (CCHC). Mục tiêu là không chỉ cắt giảm về số lượng mà đơn giản hóa và tiến tới bãi bỏ các TTHC không cần thiết, đơn giản hóa yêu cầu điều kiện, thành phần hồ sơ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức. Mới đây nhất, ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2018 của Bộ Công Thương. Theo đó bãi bỏ, đơn giản hóa 54 TTHC thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật.
Luôn là Bộ đi đầu trong công tác hiện đại hóa dịch vụ công, tất cả 296 TTHC cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Trong đó, có nhiều dịch vụ công trực tuyến áp dụng mức độ 4.
Ngoài ra, một điểm nhấn về công tác CCHC năm 2017 của Bộ Công Thương là công tác tái cơ cấu, tinh gọn lại bộ máy tổ chức với 72 đơn vị cấp phòng được cắt giảm, tương đương giảm 36,5%.
Nỗ lực cho mục tiêu cả năm
Đánh giá về hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, thời gian qua, ngành Công Thương đã có nỗ lực lớn trong xây dựng chính sách đồng bộ, toàn diện trong mảng quản lý Nhà nước. Thành quả của ngành đã góp phần ổn định và cân đối các chỉ tiêu vĩ mô, ổn định kinh tế, thương mại nội địa, XNK và các hoạt động khác. Bộ đã góp phần vào phát triển Chính phủ kiến tạo, tạo cơ hội hỗ trợ hiệu quả cho DN phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Từ nay đến cuối năm, công tác CCHC tiếp tục là hoạt động trọng tâm, được Bộ Công Thương triển khai tích cực. Theo đó, Bộ sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cắt giảm TTHC; đơn giản hóa và hiện đại hóa hành chính công, làm sao để DN, người dân tiếp cận giấy phép nhanh nhất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả thực chất của công tác CCHC. Đơn cử, về dịch vụ công trực tuyến, không chỉ nhìn vào con số bao nhiêu thủ tục được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 mà quan trọng là cắt giảm được bao nhiêu thời gian? Tiết kiệm chi phí cho DN như thế nào? Phải có bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân, DN với công tác CCHC”.
Các hoạt động của ngành Công Thương nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan thông tấn báo chí |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ, các Cục, vụ, Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty quán triệt sâu sắc việc thực hiện các chương trình hành động của Bộ Công Thương, đảm bảo năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho sản xuất, XK; tạo môi trường thuận lợi cho DN. Ngoài ra, Bộ đặc biệt quan tâm phát triển ngành điện. "Cần khẩn trương triển khai Tổng sơ đồ Điện VIII; khắc phục các dự án chậm tiến độ; nghiên cứu việc nhập điện từ các nước bạn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ rà soát lại việc thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển ngành với tình hình thực tiễn để thấy được vướng mắc, báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh triển khai thực hiện những tháng cuối năm. Chú trọng tháo gỡ khó khăn cho 12 dự án tồn đọng.
Thời gian tới, hoạt động XNK sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Do đó, các đơn vị như Cục XNK, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại... cần đánh giá thực tiễn, bám sát các biến động thương mại quốc tế, hội nhập và toàn cầu hóa; tiếp tục đề ra giải pháp khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), dự báo các tình huống phức tạp tác động đến DN, từ đó hoàn tất ứng phó kịp thời.
“Đặc biệt, thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào cuối năm 2018, đưa hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2019; thúc đẩy FTA Việt Nam - EU ký kết và phê chuẩn cuối năm nay hoặc đầu năm 2019; tích cực đàm phán các hiệp định khác để đẩy mạnh XK hàng hóa...” – Bộ trưởng chỉ rõ.