Lãnh đạo TP. Cẩm Phả đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất |
Cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh và thiết lập bộ máy thống trị nơi đây. Hàng vạn thợ mỏ sống trong cảnh nô lệ, lầm than, chịu đựng khổ sai, đói khát, cúp phạt, đòn roi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời giữa những ngày tháng gian nan khổ cực ấy, thắp lên ngọn lửa cách mạng, thắp lên ước mơ đưa vùng mỏ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Đặc biệt, sau khi khu Hồng Quảng được thành lập đã phát động phong trào đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chuẩn bị tiếp quản vùng mỏ. Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân dân Hồng Quảng long trọng tổ chức lễ mít tinh trọng thể mừng giải phóng. Kể từ đó, ngày 25/4 hàng năm được chọn là ngày giải phóng khu mỏ, đánh dấu một kỳ tích của cách mạng, của dân tộc. Đồng thời, việc tổ chức lại sản xuất, từng bước xốc lại đội ngũ công nhân nhằm xây dựng một Quảng Ninh vững mạnh, trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước cũng đòi hỏi những hy sinh, phấn đấu, những nỗ lực không kém.
Với hình sông, thế núi của một nước Việt Nam thu nhỏ, cùng lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên khoáng sản, vẻ đẹp thần tiên, kỳ ảo của di sản Hạ Long, với tiềm năng văn hóa của các di tích lịch sử các triều đại thịnh trị trên đất thiêng Đông Triều, Yên Tử cùng hành trang riêng có là tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”..., Quảng Ninh đã nỗ lực phấn đấu không ngừng. Qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Ninh đã có bước tiến bộ, chuyển biến căn bản, từ một địa phương còn chủ yếu dựa vào trợ cấp của Trung ương vươn lên phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt, tự cân đối và có nhiều đóng góp chung với cả nước.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn duy trì ở mức cao và ổn định (GDP bình quân 13%/ năm); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm. Hiện Quảng Ninh đã xây dựng 7 quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng được hoàn thành đưa vào sử dụng, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt các đô thị, các khu dân cư, vùng nông thôn, miền núi và hải đảo...
Người thợ Quảng Ninh đang viết tiếp những kỳ tích về vùng mỏ |
Tròn 60 năm giải phóng khu mỏ, TP. Cẩm Phả đã vinh dự nhận được Huân chương Độc lập hạng Nhất và chính thức được công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Việc được công nhận là đô thị loại II sẽ là một điều kiện tốt để Cẩm Phả vươn lên thành một thành phố công nghiệp theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh” (từ một thành phố chỉ có công nghiệp than sang phát triển nền công nghiệp xanh, gắn với dịch vụ du lịch...). Đây cũng là ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những nỗ lực không ngừng của phố mỏ. |
Đối với TP. Cẩm Phả - “phố mỏ” của ngày hôm nay, sau gần 30 năm đổi mới đã có những thay đổi sâu sắc. Những năm gần đây, kinh tế của thành phố tăng trưởng với tốc độ 10%/năm; thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với một số địa phương trong tỉnh và khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất các ngành đều tăng so với cùng kỳ. Đây là bước tạo đà cho thành phố công nghiệp sẵn sàng tiến lên, trở thành thành phố công nghiệp dịch vụ “xanh” vào năm 2030.
Vẫn giữ vai trò là “xương sống” của kinh tế Quảng Ninh, các đơn vị ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã không ngừng đầu tư công nghệ, hiện đại hóa trong sản xuất than, song song khai thác và bảo vệ môi trường. Cụ thể, dự án Khe Chàm III đã đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nâng công suất mỏ Khe Chàm đạt sản lượng 2,5 triệu tấn than nguyên khai/năm; Công ty Tuyển than Cửa Ông đầu tư Nhà máy xử lý bùn nước (giai đoạn 2) trị giá hơn 252 tỷ đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo vệ môi trường của công ty đến năm 2020; Công ty Than Dương Huy đầu tư đẩy nhanh tốc độ đào hầm cấp liệu phục vụ cho dự án xuống sâu mỏ... Xứng danh với truyền thống 60 năm giải phóng khu mỏ, những người thợ, người con Quảng Ninh đang viết tiếp những kỳ tích trên quê hương anh hùng.
Cẩm Phả đang phấn đấu trở thành một thành phố công nghiệp “xanh” |