Thị trường chứng khoán lình xình và giảm mạnh trong quý 3 khiến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán lâm vào tình trạng bế tắc. Trong số những báo cáo tài chính quý 3 đã công bố có đến 9 công ty báo lỗ, các công ty chứng khoán còn lại lợi nhuận cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và nhiều khả năng không thể hoàn thành kế hoạch cả năm.
Thống kê cho thấy trong số 25 công ty chứng khoán đang niêm yết có đến 9 công ty thông báo lỗ ở quý 3 vừa qua và toàn bộ các doanh nghiệp này đều đang niêm yết tại sàn HNX.
Lỗ nặng nhất trong số này KLS của Chứng khoán Kim Long với 193 tỷ đồng, một con số không thể ngờ đối với nhà đầu tư dù quý trước KLS đã gây cú sốc khi lỗ hơn 22 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 9 tháng công ty lỗ lên đến 203 tỷ đồng.
Với khoản doanh thu khá khiêm tốn chỉ xấp xỉ 61 tỷ đồng, nhưng KLS phải gánh khoản chi phí hoạt động lên đến 250 tỷ đồng. Đây được xem là nguyên nhân đẩy KLS vào tình cảnh khó khăn.
BVS của Chứng khoán Bảo Việt, một đại gia trong ngành chứng khoán, thông báo lỗ đến 83.6 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng mức lỗ của BVS là 74.6 tỷ đồng. Bức tranh bi quan năm 2008 dường như đang lập lại với BVS trong năm 2010 này.
Theo BVS, doanh thu từ các nghiệp vụ của công ty đều tăng so với cùng kỳ năm 2009 nhưng do chi phí hoạt động quá lớn (110.87 tỷ đồng quý 3 và 213.57 của 9 tháng) mà chủ yếu là trích lập dự phòng chứng khoán tự doanh khiến công ty làm ăn thua lỗ.
CTCK Rồng Việt (VDS) cũng cho biết đã trích lập dự phòng 21.5 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ môi giới và tự doanh đều giảm mạnh (42.06% và 93.04%) khiến công ty lâm vào tình trạng thua lỗ hiếm thấy trong thời gian qua với gần 25.5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ quý 1 và quý 2 kinh doanh khả quan giúp VDS khắc phục được lỗ và vẫn giữ được mức lãi ròng 2.47 tỷ đồng.
HPC cũng là một công ty lỗ nặng với mức lỗ 42.9 tỷ đồng trong quý 3, lũy kế 9 tháng công ty giảm lỗ xuống còn 42.5 tỷ đồng. Chi phí hoạt động vẫn là yếu tố chính đưa đến việc thua lỗ của công ty với gần 46.74 tỷ đồng trong quý 3 và 72.72 tỷ đồng 9 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó vẫn còn hai công ty khác có mức lỗ khá nặng trong quý 3 là CTS (-26.96 tỷ đồng) và AVS (25.38 tỷ đồng). Các công ty còn lại kềm chế ở mức lỗ “khiêm tốn” như SME (-1.19 tỷ đồng), TAS (-2.81 tỷ đồng) và PHS (-4.94 tỷ đồng).
Lãi hay lỗ đều giảm giá
Thị trường chứng khoán bất ngờ sụt giảm mạnh trong tuần qua do các thông tin kinh tế công bố không mấy tốt đẹp. Những kỳ vọng của nhà đầu tư về sự hồi phục của thị trường những tháng cuối năm vụt tắt, do đó cổ phiếu chứng khoán trở thành đối tượng để họ “trút giận” bất kể công ty lời hay lỗ trong quý vừa qua.
VIG dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng mức giảm lại lớn nhất trong tuần với 20%, mã HCM cũng giảm đến 13% do mức lãi của công ty giảm mạnh đến 50% trong quý 3 với 31.7 tỷ đồng và nhiều khả năng không hoàn thành kế hoạch khi đến thời điểm này HCM mới đạt 145.6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chưa đến 50% chỉ tiêu (312.32 tỷ đồng).
Bi quan về khả năng các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục lỗ trong quý cuối năm, nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra khiến giá của BVS mất 15.93% trong tuần qua, AVS mất 14.74%, HPC và KLS cùng có mức giảm hơn 12%, còn lại CTS cũng rớt giá 11.11% chỉ trong 1 tuần.
Các công ty còn lại có mức giảm giá từ 2% đến 10%. Cụ thể, APG của Chứng khoán An Phát giảm thấp nhất với 2% và GBS của Chứng khoán Click&Phone giảm mạnh 10.57%.
Theo Thitruongtaichinh