Tăng tính giải trí cho trẻ em trong mùa dịch
Là một trong những dự án khởi nghiệp của Đại học Mở Hà Nội, dự án “App Kids Art - Ứng dụng mỹ thuật cho trẻ nhỏ” là một trong những dự án được đánh giá rất cao.
Theo đó, làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến nhiều trẻ em phải học ở nhà trong thời gian dài, buồn chán, thiếu không gian vui chơi và học tập cùng bạn bè, nên Art Kids là một trong những sự lựa chọn hiệu quả với những khoảng thời gian dài trẻ phải ở nhà như vậy.
Giao diện App Kids Art |
App Kids Art hướng đến giải quyết nhu cầu học tập và giải trí của trẻ trong thời đại 4.0, đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. App hỗ trợ kiến thức, kỹ năng theo giáo trình của trường học (học bảng chữ cái, ghép từ, làm toán, học chữ số…), tham gia nhiều hoạt động giải trí qua các tính năng (tô màu theo chủ đề, xếp hình, vẽ tranh tự do…). Từ đó, App Kids Art sẽ là nơi gắn kết tình cảm gia đình, trẻ và bố mẹ cùng tham gia các hoạt động, trò chơi trên app.
Ngoài ra, sử dụng ứng dụng này, phụ huynh có thể quản lý thời gian con sử dụng app qua tính năng cài đặt thời gian, nắm bắt được những hoạt động, nội dung con đã tham gia bằng cách liên kết với tài khoản của mình.
Không chỉ có nhiều tính năng, sản phẩm còn có thiết kế đơn giản, dễ dàng thao tác, cơ cấu chi phí, giá thành hợp lý; Nội dung đa dạng và an toàn (6 tính năng chính, gần 20 chủ đề, hơn 250 bức tranh). Đây là sự lựa chọn lý tưởng cho phụ huynh và học sinh trong giai đoạn trẻ em chưa được đến trường vì dịch bệnh.
Hiệu quả cao với ngành tôm
Được đánh giá rất cao ở cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2020 do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức, dự án “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” là mô hình được nhóm bạn trẻ gồm: Tống Văn Liên, Nguyễn Viết Bằng, Nguyễn Đình Tuấn thực hiện ở Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên nhân bởi mô hình giúp đưa tôm nước lợ, nước mặn vốn chỉ thích nghi với vùng ven biển về nuôi giữa Thủ đô được đánh giá là bước ngoặt lớn của nhóm. Đây cũng là thách thức không nhỏ với 3 chàng trai. Tuy nhiên, với định hướng và nghiên cứu thị trường tôm nội địa, các bạn trẻ đã vượt qua khó khăn ban đầu và đầu tư mô hình nuôi thí điểm.
Mô hình “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tươi chất lượng cao và an toàn |
Theo lý giải của nhóm dự án, công nghệ Biofloc (BFT) là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi tôm không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống… để làm sạch môi trường nuôi tôm.
Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo.
Thực tế cho thấy, nuôi tôm Biofloc đem lại lợi ích kinh tế cao gấp nhiều lần so với việc nuôi trong điều kiện bình thường bởi công nghệ này mang lại năng suất cao. Phương pháp này không những được áp dụng trong nuôi tôm thương phẩm mà còn được ứng dụng trong nuôi tôm siêu thâm canh.
Việc ứng dụng công nghệ Biofloc để nuôi tôm áp sát thành phố sẽ là hướng đi bền vững bởi mô hình này thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng được mua tôm tươi sống ngay tại thành phố. Họ được kiểm soát chất lượng với sản phẩm tôm an toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong toàn bộ quá trình chăn nuôi. Ngoài ra người sử dụng biết rõ nguồn gốc của sản phẩm nên bớt lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vừa làm vừa quan sát, rút kinh nghiệm, 3 chàng trai trẻ đặc biệt chú trọng đến các thông số kỹ thuật trong nuôi tôm. Sự kiên trì, quyết tâm đã giúp họ gặt được thành công ngoài mong đợi khi thu hoạch tôm bán ra thị trường đạt sản lượng 300kg/80m3 nước và được người tiêu dùng đón nhận. Mô hình này đã thực hiện được hơn 2 năm và cung cấp tôm tươi nuôi trong môi trường nước lợ ngay tại Thủ đô. Việc nuôi tôm áp sát thành phố giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo quản nên người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tươi chất lượng cao và an toàn. Đặc biệt, đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong vấn đề bảo vệ môi trường khi các vùng nuôi tôm tập trung đang là vấn nạn của câu chuyện ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngầm
Tuy nhiên, theo các thành viên dự án, đây chỉ là thành công bước đầu vì dự án còn hướng tới nhiều mục tiêu khác. Trước mắt người dân thành phố đang đươc hưởng lợi từ mô hình khi con tôm được đưa đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất”, anh Tống Văn Liên, chủ dự án chia sẻ.
Đến nay, sau khi đưa vào ứng dụng trong thực tế, mô hình của 3 chàng trai trẻ đã cung cấp ra thị trường tôm tươi, tôm đông lạnh, đóng gói 500g, hút chân không và các sản phẩm ăn liền chế biến từ tôm như: Tôm chua, tôm khô, tôm bóc nõn. Nhóm nghiên cứu cũng đang nỗ lực hình thành chuỗi liên kết cung ứng tôm xuất khẩu.
Mô hình “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” giải quyết được hai vấn đề đó là: An toàn, giảm thiểu rủi do, thân thiện với môi trường; Có thể nuôi ở thành phố, vùng phụ cận và những vùng đất xấu không canh tác được sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tương lai.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: |