Dự trữ gạo cao gấp ba lần mục tiêu, Ấn Độ sớm nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo? Thái Lan khẳng định không dừng xuất khẩu gạo để hưởng lợi từ lệnh cấm của Ấn Độ |
Ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát.
Nông dân Ấn Độ có thể ảnh hưởng thu nhập vì lệnh cấm. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên tới nay, theo Reuters, Hiệp hội Nông dân Ấn Độ (BKS) cho biết lệnh cấm ngay giữa vụ gieo trồng đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người nông dân trồng lúa và có thể còn ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân.
Cụ thể, tại Ấn Độ, nông dân thường trồng lúa vào các tháng mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6 - 7 và thu hoạch vào tháng 10. Lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể khiến người nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Điều này có thể dẫn tới sản lượng lúa gạo của nước này giảm đến 5% trong năm nay.
Trong khi đó các nhà sản xuất gạo ở Ấn Độ thường là nông dân, hộ gia đình nhỏ, được Chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách như trợ cấp. Lệnh cấm sẽ khiến thu nhập nông thôn suy giảm, có khả năng gia tăng tình trạng phân chia giàu nghèo thành thị - nông thôn. Về dài hạn, Lệnh cấm xuất khẩu sẽ khiến khu vực sản xuất thu hẹp trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp của Ấn Độ vẫn còn quá lớn (hơn 40%), gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, theo các phân tích, khi giá thế giới tăng nhưng nông dân Ấn Độ không được hưởng lợi cũng là một vấn đề. Chính vì vậy mà đại diện BKS kêu gọi chính quyền Ấn Độ phải tăng giá thu mua gạo cho nông dân. Hàng năm chính quyền Ấn Độ có Chương trình “Giá hỗ trợ tối thiểu” đối với các mặt hàng chủ lực như gạo và lúa mì để xây dựng kho dự trữ. Vào tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã tăng giá mua lúa thường vụ mới từ nông dân thêm 7% lên mức 26,45 USD/100 kg.
Không chỉ người nông dân, trước đó nhiều thương nhân Ấn Độ cho biết họ có thông tin về việc Ấn Độ đã xem xét về lệnh cấm và cho rằng lệnh sẽ được ban hành vào khoảng tháng 8 – 9/2023 nên vẫn tiến hành ký kết hợp đồng, nhận thư tín dụng (LC) để đảm bảo thanh toán như thường lệ. Chính vì vậy khi lệnh cấm diễn ra quá đột ngột và chỉ cho phép hàng hóa đã vào cảng được chuyển đi, ngoài ra các hợp đồng dù có LC vẫn phải hủy bỏ. Do đó nếu như trrước lệnh cấm dự báo nước này có thể xuất khẩu 500 nghìn tấn gạo phi basmati/tháng thì trong tháng 7 năm 2023, chỉ 200 nghìn tấn hàng tại cảng được phép xuất khẩu.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng bình quân trên 20 triệu tấn/năm; chiếm trên 40% nguồn cung gạo toàn cầu. Việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm đã khiến giá gạo thế giới tăng vọt. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 9/8, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 641 USD/tấn; còn gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam ở mức 618 USD/tấn - giữ nguyên so với phiên giao dịch hôm qua (8/8). |