Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên
CôngThương - An Giang là tỉnh có dân số đông nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); với gần 100 km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và hai cửa khẩu quốc gia là Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông. Ngoài ra, còn có 64 chợ phiên dọc đường biên luôn diễn ra việc giao lưu, trao đổi hàng hóa.
Một số công trình đã đưa vào hoạt động như khu thương mại, khu công nghiệp phi thuế quan Xuân Tô, thuộc khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, rộng 57 ha đã thu hút được bốn nhà đầu tư vào hoạt động, với tổng vốn hơn 210 tỷ đồng. Khu tái định cư 39 nền, ổn định nơi ăn chốn ở cho nhân dân, phục vụ cho sự giao lưu, phát triển kinh tế cửa khẩu. Khu bảo thuế và kho ngoại quan Tịnh Biên, rộng hơn 10,6 ha cũng đã có sáu nhà đầu tư thuê lâu dài để xây dựng siêu thị và các gian hàng miễn thuế…
Nhờ giải quyết tốt các khâu quan trọng, cấp thiết về cơ sở hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa và du lịch giữa hai nước Việt Nam và Campuchia cho nên các hoạt động kinh tế biên mậu của An Giang phát triển mạnh. Tất cả 26 chợ lớn, nhỏ dọc đường biên nhộn nhịp kẻ bán, người mua, nhất là những tháng cận kề tết âm lịch hằng năm, với tốc độ tăng trưởng doanh số khoảng 20%. Trong cơ cấu các loại hàng hóa lưu thông tự do trên các chợ, bình quân hàng Việt Nam chiếm tới 50%, hàng Thái Lan 30%, Trung Quốc khoảng 10%, còn lại là hàng của nước bạn Campuchia. Hoạt động thương mại biên mậu ngày một sầm uất, kỷ cương.
Tiêu biểu là khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên, huyện An Phú, hiện có 65 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có 48 doanh nghiệp hoạt động thương mại từ đầu năm 2009, tính đến nay đã có tổng doanh thu gần 1.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động địa phương… Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm năm, qua các cửa khẩu biên giới đi các nước trong khu vực đạt gần 4 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, trong đó xuất sang thị trường Camp uchiakhoảng 80 triệu USD. Cùng với mở rộng giao lưu hàng hóa hai chiều, hàng năm, tỉnh An Giang còn hợp tác với chính quyền, các tổ chức đoàn thể nước bạn Campuchia tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, hôi chợ đường biên, ngày hội hàng Việt Nam chất lượng cao… đã thu hút một lượng khách du lịch khá lớn.
Cụ thể, năm 2010 này có khoảng 160 ngàn lượt khách qua lại các cửa khẩu, tăng gần hai lần so với năm 2006. Cơ cấu khách du lịch khá đa dạng, không đơn thuần chỉ là người hai nước Việt Nam và Campuchia. Trong đó chiếm một tỷ lệ không nhỏ là khách từ nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới hành trình xuyên Việt tới các hội chợ, khu thương mại An Giang mua sắm đủ hàng lưu niệm, tiêu dùng, sau đó làm thủ tục xuất cảnh ngược sông Mê Kông sang Căm-pu-chia, Thái Lan, Lào, Mi-an-ma và ngược lại. Lượng khách du lịch quốc tế qua các cửa khẩu trên đất An Giang tăng bình quân 30%/năm…
Có thể nói, An Giang là tỉnh đứng đầu trong vùng ĐBSCL phát triển mạnh kinh tế biên mậu. Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn An Giang đã chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam – Campuchia và chiếm gần 70% tổng lượng hàng hóa của các doanh nghiệp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và miền đông Nam bộ, trực tiếp góp phần làm đẹp thêm bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà...
Chưa dừng lại ở đó, hiện tỉnh An Giang đã lên danh mục với 84 dự án ưu tiên khác mời gọi đầu tư, với tổng vốn gần 32 nghìn tỷ đồng nhằm khai thác các thế mạnh hiện có phát triển cả về số lượng và chất lượng các loại nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến phụ trợ, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị xuất khẩu cao và ổn định lâu dài. Theo đó là tăng cường quản lý, chỉ đạo tạo mọi động lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại – dịch vụ biên mậu mở rộng mạng lưới hoạt động vào sâu tới các tỉnh, thành phố không có đường biên giới.
Hữu Thương