An toàn thực phẩm góp phần nâng cao vị thế nông sản xuất khẩu của Việt Nam
Tin hoạt động 11/01/2020 15:29
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức sáng ngày 11/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những chuyển biến tích cực sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT- TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Nghị quyết 43/2017/QH14 về đẩy mạnh chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải xử lý nghiêm vi phạm ATTP, không bỏ qua bất cứ vụ việc nào, không chỉ tuyên truyền, giáo dục, vận động. Thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về ATTP như sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt.
“Tinh thần chỉ đạo quyết liệt và hành động không nhân nhượng với hành vi vi phạm ATTP mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã đưa ra và đã tạo những chuyển biến rõ rệt. Thực phẩm không an toàn không còn là vấn đề bức xúc như những năm trước đây. Các bức xúc về thực phẩm bẩn, không an toàn đã giảm mạnh, cả về số lượng, mức độ, hiện tượng”, Thủ tướng nói. Cùng với đó hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai muống” đã giảm hẳn.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công tác an toàn thực phẩm thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với trên 8 triệu hộ nông dân đưa đến nhiều nguy cơ mất ATTP. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng còn nhiều. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn kém.
Trong bối cảnh đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.
Theo Thủ tướng trong công tác bảo đảm ATTP tới đây, cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP. Tăng kinh phí Nhà nước cho công tác ATTP là cần thiết nhưng cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Năm 2020 phải có bước chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác ATTP ở tất cả các cấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm đi đầu, đứng mũi chịu sào của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, Thủ tướng cho rằng, vai trò này cần đề cao hơn nữa. Nếu truy đến cùng nơi sản xuất thực phẩm, nông sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho người dân thì ngoài người sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về ATTP, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất mô hình tổ chức quản lý ATTP ở địa phương.
Bài toán lớn hiện nay là quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ, trình Thủ tướng phê duyệt.
Đặc biệt Thủ tướng đã nhấn mạnh đến vai trò của công tác truyền thông. Theo Thủ tướng công tác này thời gian qua đã làm tốt, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về ATTP song tới đây cần phải làm tốt hơn nữa, dành nhiều thời lượng hơn nữa. “Cần truyền thông đầy đủ kinh nghiệm hay, các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn và cả những bài học rút ra trong công tác bảo đảm ATTP”- Thủ tướng yêu cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động các tổ chức thành viên phối hợp tham gia công tác truyền thông bảo đảm ATTP.
Báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2019 của Bộ Y tế tại hội nghị cho biết, từ năm 2017 đến 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội… Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao. Số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm; số tiền phạt trung bình/năm tăng lên rõ rệt.
Từ năm 2017 - 2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011 - 2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần). Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Cũng theo Bộ Y tế, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong, giảm so với năm 2018.
“Bảo đảm ATTP là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân, nòi giống, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế. Do vậy, trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm ATTP đòi hỏi sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội, đặc biệt là sự huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia”- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham luận tại Hội nghị |
Trong tham luận tại Hội nghị về xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ, kiểm soát thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã nêu lên các chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP tại các chợ cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề cập đến một số khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả của các công tác trên. Theo đó Hệ thống các quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định về yêu cầu ATTP đối với sản phẩm thực phẩm hiện còn thiếu và chưa rõ ràng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý. Kinh phí hoạt động thường xuyên của các lực lượng kiểm tra thuộc ngành Công Thương, đặc biệt kinh phí cho việc lấy mẫu gửi kiểm nghiệm còn thiếu ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra. Hiện lực lượng quản lý thị trường đa số chưa có kho chuyên dụng để bảo đảm các hàng hóa, tang vật vi phạm có yêu cầu bảo quản đặc biệt.
Đáng chú ý cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn nhiều yếu kém, lạc hậu. Việc thu hút các nguồn xã hội hóa đầu tư các chợ còn hạn chế. Nhận thức của các hộ kinh doanh về bảo đảm ATTP mới dừng ở mức độ quan tâm chứ chưa thật hiểu các điêu kiện, quy định bảo đảm ATTP để thực hiện. Việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với hàng nông sản, rau củ quả tại các chợ còn rất hạn chế.
Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương dành ngân sách cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của các chợ, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích, ưu đãi việc đầu tư – kinh doanh chợ. Bên cạnh đó tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm tra kiểm soát hoạt động buôn lậu, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ để tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng của các bên trao đổi thông tin, phối hợp xử lý hành vi buôn lậu thực phẩm qua biên giới.
Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cho phép lực lượng tại Trung ương và địa phương được sử dụng toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính về ATTP. Sớm ban hành văn bản về cơ chế tài chính liên quan đến việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý chợ sang doanh nghiệp hợp tác xã. UBND các tỉnh chỉ đạo các ngành phố hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường phổ biến quy định pháp luật về ATTP cũng như tác hại của kinh doanh, sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP.
Sau Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành một Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước đối với ATTP.