An toàn là nhiệm vụ hàng đầu
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) về tình hình việc làm, ATVSLĐ; kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ năm 2022.
Áp dụng công nghệ số để giám sát an toàn lao động tại Công ty Điện lực Thái Nguyên |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao những nỗ lực mà ngành điện nói chung, EVNNPC nói riêng trong việc cung cấp điện an toàn, tin cậy, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáng chú ý, qua kết quả thực tế triển khai, công tác đảm bảo ATVSLĐ của người lao động đã được EVNNPC chú trọng, từ đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phần mềm điều hành tới từng cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Qua đó giúp người lao động có sự đảm bảo an toàn trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc EVNNPC: EVNNPC đang quản lý, vận hành lưới điện trên địa bàn rộng và khó khăn, cung cấp dịch vụ điện cho gần 11 triệu khách hàng, với khối lượng công việc khoảng 1 triệu công việc/năm. Mỗi công việc luôn có tính chất nghiêm ngặt về công tác an toàn, vì vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của EVN, EVNNPC luôn coi công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và then chốt.
Tính riêng năm 2021, EVNNPC đã hoàn thành tốt công tác ATVSLĐ như: Đảm bảo an toàn trong phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai, hành lang an toàn lưới điện cao áp; kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động; tổ chức kiểm tra sát hạch an toàn cho cán bộ công nhân viên là các đối tượng vi phạm quy trình an toàn điện...
Nhờ đó, trong năm 2021, tổng công ty không để xảy ra cháy, nổ do lỗi chủ quan; phối hợp chính quyền địa phương ra 85 quyết định xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm hành lang lưới điện hoặc đe dọa gây sự cố, với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước 294 triệu đồng.
Công tác huấn luyện vệ sinh lao động đã được tổng công ty quan tâm thường xuyên và bám sát theo Nghị định 44 của Bộ luật Lao động và các quy định của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, EVNNPC còn chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thanh kiểm tra các đơn vị, qua đó giúp cán bộ làm công tác an toàn có thêm kinh nghiệm, hỗ trợ các điện lực rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, tổng công ty cũng chú trọng truyền thông về chính sách an toàn lao động mới đến người lao động.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý EVNNPC: Sau giãn cách, nền kinh tế dự báo sẽ có sự phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ra đời các khu công nghiệp, tạo áp lực lớn với toàn ngành điện. Điều này đòi hỏi tổng công ty đầu tư lớn hơn cho cơ sở vật chất và người lao động; quan tâm vấn đề việc làm, tiền lương, nhu cầu và mức sống tối thiểu; đồng thời chủ động hơn trong công tác đảm bảo ATVSLĐ theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, giai đoạn 2022 - 2023, Chính phủ đặt mục tiêu chuyển đổi số là trọng tâm trong quá trình thích ứng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tổng công ty cần tận dụng thành quả chuyển đổi số, qua đó kiểm soát công tác vận hành, ATVSLĐ và phát triển kinh tế.
Chuyển đổi số trong quản lý công tác an toàn lao động đưa doanh nghiệp và người lao động đến gần nhau hơn trong mô hình sản xuất an toàn, năng suất lao động cao; giúp hình thành thói quen làm việc thích ứng với các loại hình dịch bệnh ở hiện tại lẫn tương lai cho người lao động. Vì vậy, EVNNPC đã thực hiện chuyển đổi số từ năm 2017 với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, quá trình số hóa đã được đẩy nhanh hơn một bước.
Hiện nay, tổng công ty tiếp tục hoàn thiện và triển khai thêm một số chức năng của hệ thống như: Nhận diện khuôn mặt nhân viên đơn vị công tác, nhận diện hình ảnh mất an toàn bằng trí tuệ nhân tạo; tiến tới hoàn thiện và sử dụng chức năng dẫn đường cho đơn vị công tác đến vị trí làm việc, loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn tai nạn do làm việc nhầm vị trí.
Tổng công ty cũng phát triển thêm phân hệ sử dụng camera để kiểm soát an toàn lao động và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động phân tích, đánh giá dựa trên dữ liệu đầu vào, kết quả kiểm tra kiểm soát của các bộ phận nhằm đưa ra định hướng cho người quản lý.
Quy trình nghiệp vụ ATVSLĐ cũng được số hóa từ quản lý công cụ, dụng cụ an toàn, thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quản lý vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai đến công tác kiểm tra an toàn lao động đột xuất tại hiện trường, đơn vị cơ sở.
Từ tâm lý ngại chuyển đổi, người lao động trong toàn EVNNPC hiện đã thích ứng với mô hình sản xuất mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở hiện tại cũng như trong tương lai. Việc áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý an toàn tại hiện trường cũng như ở các môi trường làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã cho thấy kết quả rõ rệt, đó là việc tổng công ty không để xảy ra mất an toàn nghiêm trọng trong giai đoạn 2020 – 2021.
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022 với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid - 19”, tổ chức từ ngày 1- 31/5/2022 trên cả nước. Ngành điện dự kiến sẽ tổ chức lễ phát động vào sáng ngày 28/4 tại Hà Nội. |