Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ trọn đời phụng hiến
Người dân miền Trung, đặc biệt là nhiều thế hệ sinh viên biết đến ông không chỉ qua phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh đô thị miền Nam trước năm 1975, mà còn ngưỡng mộ ông trong vai trò là người sáng lập ra trường đại học tư thục đầu tiên ở miền Trung. Ông là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân.
Từ cốt cách người con xứ Quảng
Nhà giáo Lê Công Cơ có một tuổi trẻ dấn thân, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Đường đời của ông đầy chông gai, vấp váp, nhưng ông luôn đứng vững trên đôi chân của mình. Ở ông toát nên cốt cách và khí phách con người xứ Quảng, gắn liền với một triết lý nhân sinh mang tính nhân văn bao trùm, sâu sắc. Trong đó, lòng yêu nước là bậc thang cao nhất, là yếu tố cốt lõi và chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của ông. Trong công việc và giao tiếp, ông để lại ấn tượng cho nhiều người với tác phong lịch thiệp, trầm tĩnh và quyết đoán.
Anh hùng Lao động Lê Công Cơ |
Quê ông ở làng Ái Mỹ, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi ông 5 tuổi thì mẹ chết vì đói, 6 tuổi ông phải đi giữ trâu thuê để tự nuôi sống bản thân. Lớn chút nữa, năm 12 tuổi, nhanh nhẹn lại được tin cẩn, cậu bé Lê Phương Thảo (bí danh của ông) được giao nhiệm vụ làm giao liên, rồi vào Đảng năm 24 tuổi.
Ông nhớ lại ngày ấy, tâm nguyện của ông là vào Đảng để được đi đầu, phục vụ cho lý tưởng của Đảng. Để rồi cuộc đời ông sau đó là minh chứng hùng hồn cho sự thủy chung, sự tận hiến của một trí thức cách mạng với Đảng. Ông đã sống trọn một lời thề sắt son với Đảng, luôn có mặt ở tuyến đầu, ở những nơi khó khăn nhất, nơi cần những con người ưu tú, dám chấp nhận hy sinh.
Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông giữ các chức vụ: Chủ tịch Liên hiệp sinh viên - học sinh giải phóng khu Trung Trung bộ, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng. Sau đó, ông được điều ra Thừa Thiên - Huế với chức vụ Thành ủy viên, Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh đoàn. Nhiều năm sống và hoạt động trên đất cố đô, ông cùng đồng đội tiên phong tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng mà đỉnh cao là nổi dậy giải phóng thành phố Huế, tháng 3 năm 1975.
Sau ngày đất nước giải phóng, ông trải qua nhiều thăng trầm trong đời sống và công việc mà đỉnh điểm là từ năm 1978 đến 1981, ông bị tạm đình chỉ công tác vì những hiểu lầm không đáng có. Ông tâm sự: “Đó là những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Nhiều lúc tôi đã định buông xuôi, nhưng lại nghĩ về danh dự, về đồng đội, những anh em trong phong trào đô thị Huế những năm 1960 - 1975 đã nuôi dưỡng, chở che nên nhất quyết phải gượng dậy”.
Đúng như vậy. Sau đó, các đồng chí, đồng đội cũ của ông như: Hồ Nghinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Trần Anh Liên, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và tất cả anh em, đồng đội của ông đã lấy cả sinh mạng chính trị của mình ra để bảo vệ sự thật, bảo vệ ông. Thế là ông được minh oan.
Đến khát vọng Duy Tân
Trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII năm 1986, khi ấy đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Lê Công Cơ chuyển sang làm Giám đốc Công ty du lịch thành phố. Đến năm 1993, ông bất ngờ xin nghỉ hưu khi mới 52 tuổi.
Rời “chốn quan trường”, ông Lê Công Cơ nung nấu đam mê làm giáo dục. Ông cùng với người bạn đời, cô giáo Nguyễn Thị Lộc tập trung dồn tâm lực cho mô hình trường đại học tư thục đầu tiên ở khu vực miền Trung. Không có kinh phí, ông bà phải thế chấp ngôi nhà đang ở cho ngân hàng, vay thêm 3 tỷ đồng, rong ruổi gần 3 năm ròng rã với hơn 50 chuyến tàu Đà Nẵng - Hà Nội để thực hiện ước mơ của mình.
Ngày ấy, khi nói đến đại học tư thục là “chuyện rất lạ”. Nhưng thật may mắn, khi ông Lê Công Cơ trình bày ý tưởng về thành lập Trường Đại học dân lập Duy Tân, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khi ấy hết sức ủng hộ, ký ngay văn bản đồng ý chủ trương thành lập trường. Ông nhớ lại: “Được ủng hộ, mừng lắm em ạ”. Thế rồi vợ chồng ông mất gần 2 năm ròng rã chạy lo thủ tục, có lúc tưởng chừng như bế tắc. Với quyết tâm không bỏ cuộc, ông đánh liều xin gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cố Thủ tướng vốn biết rõ Lê Công Cơ là một trong những thủ lĩnh tiêu biểu của phong trào học sinh - sinh viên miền Trung những năm chống Mỹ và nhất là những lần ông đăng đàn trên nghị trường Quốc hội nên đồng ý gặp. Rồi, với bút phê đồng ý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một sự kiện chưa có tiền lệ - bốn trường đại học ngoài công lập đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép thành lập. Một trong bốn trường đó là Đại học Duy Tân, ra đời ngày 11/11/1994.
Trường Đại học Duy Tân |
Với mục tiêu, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là đổi mới, khát khao xây dựng Trường Đại học Duy Tân ngày một lớn mạnh, phát triển toàn diện, bền vững, 28 năm qua, từ tay trắng đúng nghĩa, trải qua vô vàn khó khăn, ngọn đuốc đam mê, sáng tạo và cống hiến được thắp lên trong mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ngọn đuốc ấy được truyền cảm hứng, thổi bùng lên từ người sáng lập: Nhà giáo Lê Công Cơ.
Khi mới thành lập, trường có 15 cán bộ, giảng viên. Đến nay, nhà trường có 1.200 cán bộ, giảng viên và quy mô trên 25.000 sinh viên. Nhà trường đã thành lập 5 trường đào tạo, 4 viện nghiên cứu trực thuộc và đang xúc tiến chuyển đổi mô hình từ Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân.
Từ ngày thành lập đến nay, trường đã đào tạo và cung cấp cho xã hội trên 69.000 nhân lực ở tất cả các trình độ: tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân. Kết quả khảo sát nhiều năm gần đây cho thấy, tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 95,4%, nhiều ngành 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm như khối ngành Công nghệ thông tin, Điện tử.
Ông Lê Công Cơ bộc bạch: “Tôi đã đến 115 trường đại học của 18 quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, học tập. Chúng tôi xác định, mục tiêu xuyên suốt của Trường Đại học Duy Tân là “Lợi nhuận là chất lượng sinh viên”. Chất lượng đào tạo là mục tiêu sống còn của nhà trường, tất cả vì quyền lợi học tập, việc làm và khởi nghiệp của sinh viên”. Từ đó, nhà trường kiên trì theo đuổi thực hiện 5 hóa: Anh ngữ hóa, tin học hóa, chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa và trẻ hóa.
Nhà trường bền bỉ phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và đã được xếp vào Top 100 Trường Đại học tốt nhất châu Á; Top 500 của Bảng xếp hạng Đại học thế giới THE 2022. Việt Nam có 2 trường là Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Đến năm 2022, Trường Đại học Duy Tân có 10 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 15 ngành trình độ thạc sỹ và 54 ngành trình độ đại học.
Trong quá trình phát triển, dưới sự dẫn dắt của “thuyền trưởng” Lê Công Cơ, nhà trường luôn chú trọng nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Dù là trường tư thục nhưng tổ chức đảng tại đây luôn giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, đảng viên giữ vai trò tiền phong, đồng thuận xây dựng và phát triển nhà trường theo đúng tôn chỉ, mục đích. Khi mới thành lập, Chi bộ nhà trường có 3 đảng viên đều là cán bộ hưu trí. Đến nay, Đảng bộ có 245 đảng viên, trong đó có 57 đảng viên là sinh viên. Hằng năm, Đảng bộ nhà trường được Quận ủy Hải Châu công nhận danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Sắt son với Đảng, gắn bó với Dân
Năm 2016, tròn 75 tuổi đời, 51 tuổi Đảng, nhà giáo Lê Công Cơ nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam làm giáo dục đại học tư thục được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Có thể khẳng định, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ những năm tháng hoạt động bí mật trong lòng địch khi mới 12 tuổi cho đến lúc nghỉ hưu; 28 năm dựng nghiệp lập trường, trải qua bao thăng trầm, biến cố, ông Lê Công Cơ luôn tỏ rõ, khẳng định bản lĩnh trung thành với lợi ích của Đảng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mới cho ông Lê Công Cơ |
Đặc biệt, khi là người đứng đầu ngôi trường đại học tư thục đầu tiên ở miền Trung với cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, ông luôn trăn trở, sáng tạo, năng động trong chỉ đạo và quản lý điều hành; luôn ủng hộ, cổ vũ những gì đổi mới, sáng tạo, luôn bảo vệ cái đúng; không ngừng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh để hội nhập quốc tế trong đào tạo giáo dục đại học.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, GS.TS Trần Hồng Quân, viết: “Trường Đại học Duy Tân nổi lên như một điểm sáng, một niềm tự hào cho sự nghiệp giáo dục của nước ta”. Trao đổi với tác giả bài viết, đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhận xét: “Anh Lê Công Cơ là một chiến sỹ kiên trung trong kháng chiến, một nhà giáo mẫu mực trong thời bình, một đảng viên tận tụy, người có trái tim nhân hậu, sống tình nghĩa, thủy chung, thực sự là một người có tâm, có tầm nhìn và có tài, quyết đoán và tử tế, được Đảng bộ và Nhân dân Đà Nẵng quý mến, trân trọng”.
Có thể nói, cuộc đời của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ là minh chứng hùng hồn nhất về ý thức trách nhiệm của một công dân trước vận mệnh đất nước; là danh dự thiêng liêng của một đảng viên trước Đảng, trước Dân; là khát vọng tận hiến của một trí thức chân chính vì cuộc sống con người; trách nhiệm cao cả của một công dân trước đất nước, dân tộc của mình.
Năm nay, bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, đối thoại với sinh viên nhiều giờ mà chất giọng vẫn hào sảng, mạch lạc, hùng hồn… Có thể nói, ông Lê Công Cơ đã vắt kiệt sức phụng hiến cho đời. Ở ông, chúng tôi cảm nhận rõ nhất tính cách quyết liệt, một tâm thế biết lắng nghe và thấu hiểu, một tình cảm luôn tròn đầy, ấm nóng và đặc biệt là một trái tim yêu tha thiết đất nước, quê hương, bạn bè, đồng đội và đam mê cống hiến cho giáo dục nước nhà.
Buổi sáng cuối thu, sải bước bên bờ sông Hàn bình yên giữa lòng Đà Nẵng, ông Lê Công Cơ tâm sự: “Tôi phấn đấu làm việc đến 90 tuổi”. Thoáng trong ánh mắt của người Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới này vẫn vẹn nguyên khát vọng đổi mới như chưa bao giờ vơi cạn; chất chứa niềm tin về một Đại học Duy Tân quy mô, tầm vóc, tiên tiến, uy tín trong nước và quốc tế ./.