Áo tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh đổ vỡ trong chuỗi cung ứng
Việt Nam lọt top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo diễn ra ngày 6/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực: GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%; kim ngạch thương mại đạt gần 429 tỷ USD (tăng 27,2% so với cùng kỳ 2020), các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Áo tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo diễn ra ngày 6/9, tại Thủ đô Viên, Áo |
Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD, với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới.
Bước vào năm 2021, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đó là phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đoàn kết; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại; và gắn kết phát triển kinh tế với xã hội, môi trường và với quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
“Về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa kết nối hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông Richard Schenz, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Áo cho biết, chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh những đổ vỡ trong chuỗi cung ứng hàng hoá đang có nguy cơ xảy ra trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Gần đây chúng tôi đã thiết lập một văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy việc tham gia vào các cơ hội hợp tác về công nghệ thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giao thông vận tải, công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải…
Hiện nay, về quan hệ đầu tư với Việt Nam, Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học công nghệ. Về quan hệ thương mại, Áo luôn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010.
Cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này là khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Áo. Theo đó, để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn |
Đồng thời, nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước; các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hiệp định thương mại EVFTA đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu thực hiện được hơn 1 năm. Còn với Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đã thông qua, nhưng theo quy định EVIPA phải được từng nghị viện thành viên của các nước EU phê chuẩn. Hiện nay, mới chỉ có 6/27 quốc gia đã chính thức phê chuẩn EVIPA, trong đó có cả Áo.
“Do đó, chúng tôi mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo và doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA sớm nhất” - Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời bày tỏ, chúng tôi ví EVFTA và EVIPA như là hai cánh của một con chim, nếu chỉ có Hiệp định thương mại mà không có Hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như của châu Âu sẽ không được bảo đảm. Khi hoàn tất phê chuẩn các hiệp định này ở Nghị viện, lúc đó chúng ta mới có thể coi 2 hiệp định này như là một cao tốc, đại lộ kinh tế hai chiều để kết nối châu Âu với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu, việc hai bên kết hợp với nhau sẽ có nhiều lợi ích. Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU, đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn nữa với 800 triệu dân khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là thành viên, đã có hiệu lực.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là, giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.