Áp dụng “Hóa học xanh”: Doanh nghiệp thực thi sớm, lợi ích lâu dài
Cam kết quốc tế đối với các sản phẩm hàng hóa khi nhập khẩu từ thị trường nước ngoài và thực thi trách nhiệm môi trường trong sản xuất đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương.
Thưa ông, “Hóa học xanh” được hiểu như thế nào, ông có thể chia sẻ về nguyên tắc áp dụng?
Hoá học xanh được định nghĩa là “sự thiết kế những sản phẩm hóa học và quá trình nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng, và phát sinh ra, những chất nguy hại”. Tiếp cận Hoá học xanh trên thế giới đã được chuẩn hóa thành 12 nguyên tắc chung: 1. Ngăn ngừa [phát sinh] chất thải; 2. Tối đa hóa việc tiết kiệm nguyên tử; 3. Phát triển các quá trình tổng hợp hóa học ít độc hại hơn; 4. Phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; 5. Sử dụng những dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; 6. Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; 7. Sử dụng những nguyên liệu có thể tái sinh; 8. Tránh làm phát sinh phụ phẩm; 9. Sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; 10. Phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; 11. Quan trắc và phân tích theo thời gian thực tế để ngăn ngừa ô nhiễm; 12. Giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra rủi ro, tai nạn về hóa chất.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể hiểu Hóa học xanh một cách đơn giản là thay vì tập trung vào xử lý chất thải thì cần ngăn ngừa chúng ngay từ trước khi hình thành.
Theo đó, trước khi sản xuất một sản phẩm nào đó, cần thiết kế sản phẩm này thân thiện với môi trường, ít độc hại, trong cả quá trình sản xuất, hình thành sản phẩm cho đến khi sản phẩm được sử dụng sau này. Ngoài ra, thay vì sử dụng các hoá chất có hại, có thể xem xét sử dụng các hoá chất ít độc hại hơn, thân thiện đến môi trường. Một khía cạnh khác của Hoá học xanh là thiết kế công nghệ cần tối ưu hoá về nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải để hạn chế tối đa phát thải ra môi trường.
Như vậy, bản chất các nguyên tắc của Hoá học xanh là đảm bảo sức khỏe của con người, giảm thiểu tác động đến môi trường và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Vậy, đâu là nguyên tắc nào là quan trọng nhất và những ngành sản xuất nào cần thực hiện các nguyên tắc này thưa ông?
Theo tôi, nguyên tắc thiết kế sản phẩm và lựa chọn các công nghệ ban đầu là quan trọng nhất vì nó sẽ xuyên suốt cả quá trình sản xuất và vòng đời của dự án và sản phẩm.
Ngay từ ban đầu triển khai dự án chúng ta cần hướng đến thiết kế để giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đi cùng với đó, cần lựa chọn công nghệ thân thiện hơn, sử dụng các nguyên liệu ít độc hại hơn so với các nguyên liệu khác, hoặc dự án đó cho ra các sản phẩm thân thiện môi trường, hướng đến sử dụng Hóa học xanh… Đây là nhóm nguyên tắc quan trọng nhất.
Qua theo dõi các ngành sản xuất hóa chất và công nghiệp có sử dụng nhiều hóa chất, tôi cho rằng ngành xi mạ là ngành cần thay đổi công nghệ thân thiện hơn với môi trường. Tiếp theo là ngành dệt-nhuộm cũng sử dụng nhiều hóa chất nguy hiểm, độc hại.. Rồi một số ngành khác như: Sản xuất giấy, sản xuất nhựa cũng cần áp dụng những nguyên tắc của Hóa học xanh nhất định như thay đổi chất khử màu hoặc chất xử lý màu đối với giấy hay nhuộm vì đây là những hoá chất độc hại.
Sử dụng hóa Học xanh sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp |
Trong lĩnh vực sơn cho xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã thay thế dung môi, loại bỏ chì hữu cơ bằng dung môi nước thân thiện với môi trường, phun là bay hơi hết. Chì cũng được loại bỏ trong ngành sơn xây dựng để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người lao động và khách hàng sử dụng.
Đối với Hóa học xanh, vấn đề thách thức nhất là chi phí và tính không chắc chắn khi áp dụng. Tuy vậy, nền kinh tế của Việt Nam đang có độ mở lớn, nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cầu, cần tuân thủ luật chơi của thị trường quốc tế. Mặc dù có những thách thức nhưng Hoá học xanh cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội để doanh nghiệp tham gia thị trường toàn cầu.
Được biết, Bộ Công Thương đang có kế hoạch sửa đổi Luật Hóa chất, vậy theo ông nên tích hợp Hóa học xanh như thế nào trong Luật Hóa chất sửa đổi?
Tôi tin rằng, với sự truyền thông lan tỏa tốt, sẽ có nhiều doanh nghiệp áp dụng Hóa học xanh. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ quản lý nhà nước, bên cạnh việc khuyến khích, cần phải có áp lực quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa từ nhà nước đối với việc áp dụng Hoá học Xanh để cải thiện hình ảnh ngành công nghiệp hoá chất từ gam mài “xám” sang gam màu “xanh”.
Sắp tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hóa chất 2007 theo hướng sẽ đưa các chỉ tiêu, tiêu chí Hóa học xanh thành các quy định mềm và phát triển thành các quy định bắt buộc theo một lộ trình nhất định phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất.
Hiện nay, Luật Hóa chất đã có quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm cập nhật đặc tính nguy hiểm của hóa chất trong quá trình sản xuất và nếu phát hiện thêm đặc tính mới phải báo cáo cơ quan quản lý trung ương và địa phương để xem xét, điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp còn có trách nhiệm thay thế các hóa chất đang sử dụng bằng loại ít độc hại và thân thiện môi trường hơn. Trong Dự thảo sửa đổi Luật Hóa chất, chúng tôi dự kiến kế thừa những quy định này, đồng thời bổ sung thêm các chế tài và những công cụ hỗ trợ khác của nhà nước nhằm thực hiện Hoá học xanh.
Nếu không có gì thay đổi Luật Hóa chất sửa đổi sẽ dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024. Khi đó, ngành công nghiệp hóa chất sẽ phát triển theo hướng thân thiện môi trường, phù hợp các nguyên tắc của Hóa học xanh.
Hy vọng Luật mới sẽ được các doanh nghiệp đón nhận và là con đường tất yếu để phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam xanh, sạch và bền vững.