Áp dụng KH&CN khai thác tiềm năng Tây Bắc
Hội thảo đầu bờ mô hình trồng dứa xen canh cao su tại Mường Chà - Điện Biên
- “Lấy ngắn nuôi dài”
Mục tiêu chung của dự án là xác định được hệ thống cây trồng xen và kỹ thuật canh tác thích hợp trên nương cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (KTCB) góp phần phát triển cây cao su bền vững tại vùng Tây Bắc.
Diện tích canh tác của vùng Tây Bắc chủ yếu là đất đồi dốc, do vậy sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân trên đầu người còn rất thấp. Trong vùng Tây Bắc còn nhiều xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hàng năm vào các tháng giáp hạt, còn nhiều hộ thiếu đói. Trong khi đó, do sức ép của gia tăng dân số, nhu cầu lương thực càng trở nên gay gắt. Do đó, phát triển sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ đã trở thành vấn đề tất yếu.
Trong những năm qua xã Nang Sang, huyện Mường Chà đã có nhiều hộ nông dân thoát nghèo từ mô hình trồng dứa. Phát triển theo hướng đi nhiều tiềm năng đó, mô hình trồng cây dứa xen canh cây cao su đang được đánh giá cao, được nhiều người dân đánh giá là có hiệu quả gấp đôi so với chỉ trồng dứa trên 1 diện tích đất.
Dứa có thể trồng từ khi cây cao su bén rễ cho đến khi khuếch tán, năng suất đạt 40 – 45 tấn/ha, nếu trừ chi phí thì người dân có thể lãi từ 60 – 80 triệu đồng/1ha. Toàn huyện Mường Chà hiện có hơn 1000 ha cây cây cao su và hơn 23 ha trồng dứa chủ yếu ở xã Na Sang. Hiệu quả kinh tế mà dứa mang lại đã quá rõ, nhưng thực tế đặt ra là ở đâu đang thiếu đất để mở rộng diện thích trồng cây dứa.
Trước thực tế đó, Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng – Bộ KH&CN đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Mường Chà và UBND Na Sang đã tìm được lời giải cho mở rộng diện tích trồng dứa cho bà con nông dân, đó là trồng dứa xen canh với trồng cây cao su. Hiệu quả kinh tế cao Với diện tích gần 2ha đưa vào trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy cây dứa không những không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su mà còn tốt hơn nhờ giữ được độ ẩm và tạo độ mùn cho cây. Anh Vàng Seo Hồ ở bản Na Sang, xã Na Sang là người đầu tiên mang cây dứa về với xã Na Sang và áp dụng mô hình trồng dứa xen canh cây cao su. Được Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng hỗ trợ 100% cây giống, anh Hồ mang trồng thử nghiệm trên 2ha, cây dứa hiện đã gần cho thu hoạch, có quả cho cân nặng gần 2kg. Theo anh Hồ thì mô hình trồng dứa xen canh lại năng suất cao hơn hẳn so với bình thường.
Anh Hồ cho biết, trồng dứa xen canh cây cao su và bón phân, chăm sóc đúng kỹ thuật như cán bộ dự án hướng dẫn thì hiệu quả mang lại cao hơn so với dân bản trồng tự do. Cây cao su phải từ 5 đến 6 năm mới khuếch tán là, nếu bỏ đất trống tới 5,6 thì đó là điều lãng phí mà người nông dân đang rất cần đất để sản xuất. So sánh diện tích đất trồng xen canh và diện tích trồng cây cao su bình thường thì chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt. Ở diện tích trồng cao su đơn thuần thì cỏ mọc nhiều, đất khô, cây cao su lên chậm, với 2ha diện tích đất trồng cây cao su xen canh dứa trồng thử nghiệm của anh Hồ thì cây cao su phát triển mạnh, năng suất dứa đạt 40 – 45 tạ/ha.
Ông Lường Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Na Sang huyện Mường Chà cho biết, để chuyển đổi diện tích nương sang trồng cây cao su thì diện tích canh tác bị thu hẹp lại. Để đảm bảo đời sống bà con nông dân, được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng – Bộ KH&CN đã hỗ trợ giống, kỹ thuật cho bà con nông dân trồng xen vườn cây cao su trong 2 năm qua thì hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con nông dân rất cao. Hai giống dứa mang vào thử nghiệm là giống dứa Na Hoa thuộc nhóm Queen và Kaen. Dứa Kaen có ưu điểm là quả to, năng suất cao nhưng chất lượng chưa cao nên khó bán, ở đất bằng thì lên luống giữ các hàng cao su. Nếu đất dốc thì phải trồng theo đường đồng mức để tránh xói mòn, rửa trôi. Ông Đào Trọng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường Chà đánh giá, đây là mô hình rất hiệu quả, với diện tích cao su của Mường Chà thì mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng. Cây dứa trồng xen canh cây cao su cho năng suất cao, cây cao su phát triển tốt hơn diện tích trồng cao su đơn thuần. TS. Nguyễn Đắc Bình Minh nhận định, dự án có hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội và cả về môi trường. Kết quả của đề tài góp phần chỉ ra hướng giải quyết bớt khó khăn về kinh tế cho người trồng cao su nói riêng và người dân miền núi nói chung. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài góp phần tăng độ che phủ cho đất dốc trồng cao su ở vùng Tây Bắc nói riêng và đất dốc ở miền núi nói chung; đồng thời còn góp phần ổn định đời sống và môi trường sống cho các nơi trồng cao su vùng Tây Bắc.
Theo CESTC