Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh triển khai thực hiện thí điểm dùng mã vạch để truy xuất nguồn gốc thịt heo |
Tại cuộc họp với lãnh đạo các quận huyện, ban quản lý chợ, doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết chương trình áp dụng mã mạch để truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện thí điểm trong hai tháng 11 và 12/2016, để đầu năm 2017 thực hiện đồng loạt tại 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn; 5 chợ bán lẻ gồm chợ Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông và 12 lò giết mổ tập trung. Các doanh nghiệp phân phối và sản xuất tham gia đến thời điển này gồm Co.op mart, Sagrifoods, Satra, Vissan và An Hạ.
Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh Đào Hà Trung cho biết, đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” được thực hiện trên nền tảng “Te-card” của châu Âu. Người tiêu dùng có thể tải về miễn phí bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc xem trực tiếp trên trang website: www.te-food.com. Nếu người tiêu dùng không sử dụng thiết bị của mình để kiểm tra thì dự án cũng sẽ lắp đặt máy kiểm tra tại các chợ để người mua có thể trực tiếp truy xuất nguồn gốc. Vòng nhận diện, các con tem được đặt sản xuất tại nước ngoài với công nghệ cao nên tránh được tình trạng giả mạo. Giá mỗi một lô gồm 50 con tem khoảng 3.000 đồng, tiểu thương tham gia chương trình sẽ đăng ký và mua tem tại ban quản lý chợ.
Quy trình áp dụng mã vạch để nhận biết nguồn gốc thịt heo cụ thể như sau: mỗi con heo nuôi trang trại đều được đeo một chiếc vòng nhận diện có mã QR. Heo khi xuất chuồng đã có mã số truy cập, mã số này sẽ được lưu vào hệ thống và được chuyển tiếp đến các công đoạn giết mổ, vận chuyển, phân phối về cơ sở bán lẻ .… Người bán dùng điện thoại thông minh kích hoạt tem lên tờ in mã vạch, sau đó dán tem có mã vạch lên miếng thịt bán cho khách.
Công ty CP. Việt Nam chăn nuôi heo theo quy trình kép kín truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, ứng dụng công nghệ cao vào việc giám sát, quản lý thịt heo trên thị trường là giải pháp thông minh, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu cho thịt sạch của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai. Sắp tới Sở Công thương và đơn vị thực hiện đề án sẽ cung cấp ứng dụng để người tiêu dùng tải về điện thoại di động, mặt khác tích cực vận động các trang trại, nhà máy giết mổ, tiểu thương tham gia đề án. Dự kiến, đầu tháng 11 tới, việc áp dụng công nghệ cao vào quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo này sẽ được đưa vào thử nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đánh giá, việc áp dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc thịt heo bước đầu áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đây là cơ sở để tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn sản phẩm sạch, góp phần loại trừ thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn trên thị trường.
Ông Trần Vĩnh Tuyến giao cho Sở Công Thương thành phố tổ chức quản lý, xác định rõ vai trò của ban quản lý chợ, cơ quan thú y trong kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Trong quá trình thực hiện dự án không cần quá cầu toàn, vừa làm vừa chấn chỉnh, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia, nghiên cứu bổ sung thêm các chủng loại sản phẩm khác như thịt gia cầm, rau củ quả…
Theo khảo sát của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, có đến 100% người tiêu dùng vừa tham gia đợt khảo sát sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua thịt heo sạch, có nguồn gốc rõ ràng và nhu cầu này là bức thiết. Để chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo đạt hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng sự vào cuộc hợp tác giữa các cơ quan quản lý như Sở Công Thương, UBND các quận huyện, ban quản lý các chợ và đông đảo tiểu thương là vô cùng quan trọng.