Áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống Covid-19 mà thế giới chưa làm
Tin hoạt động 17/03/2021 15:37
Mục tiêu của cuộc họp là bàn các giải pháp lớn để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả thời gian tới, chủ động ngăn chặn hiệu quả nếu có dịch trong cộng đồng, làm sao đưa đất nước tiến bước trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, trong nước còn có nguy cơ lây nhiễm, những kinh nghiệm cần thiết phải rút ra.
“Trước hết là động viên nhân dân, cả hệ thống chính trị, đặc biệt lực lượng trực tiếp có nhiều đóng góp như Y tế, Quân đội, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và truyền thông…” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đề xuất 4 nhiệm vụ trong phòng, chống dịch thời gian tới
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 trường hợp mắc đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).
Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp chưa từng có tiền lệ trong phòng chống dịch Covid-19 |
Trong nước hiện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.
Trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và vaccine trong nước dự kiến phải tới quý IV/2021 Việt Nam mới có. Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, ba thành công trong điều hành và quản lý kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 là thành công trong tổ chức sản xuất vật tư y tế; tổ chức hệ thống cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh đã được Bộ Công Thương, các bộ ngành địa phương làm rất tích cực và sản xuất công nghiệp cơ bản đã được các địa phương tổ chức sản xuất an toàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện cả về y tế và kinh tế |
“Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 6,5% cũng là một điểm sáng” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Từ thực tế chống dịch Covid-19 vừa qua, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu lên 4 vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới với tinh thần triệt để hơn, riết róng hơn để tiết kiệm chi phí chống dịch.
Một là cách hiểu và cách triển khai các quy định phòng chống dịch từ Trung ương tới địa phương đâu đó vẫn còn bất cập dẫn đến ách tắc lưu thông hàng hóa. “Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết vì thực hiện mục tiêu kép mà không lưu thông hàng hóa là rất ảnh hưởng”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Hai là tiếp tục thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Việc xây dựng bản đồ an toàn Covid-19 là việc làm quan trọng mà Ban chỉ đạo quốc gia đã làm, khu vực chợ, siêu thị các tỉnh thực hiện tương đối tốt. 63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo tuy nhiên vẫn còn 11 tỉnh thiếu đầu mối liên lạc. Sản xuất công nghiệp mới có 36/63 tỉnh thành có báo cáo trong đó có 20 tỉnh thành phố đủ thông tin.
Thứ ba là Bộ Công Thương trong vai trò thành viên tiểu ban hậu cần của Ban chỉ đạo thấy rằng, nhiều quy định về mua sắm vật tư cấp bách phòng dịch còn bất cập cần tháo gỡ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và đại diện các Bộ dự cuộc hop |
Thứ tư là việc ứng dụng công nghệ thông tin thời gian vừa rồi đã làm tốt là một thành công song cần tiếp tục đẩy mạnh hơn. Ví dụ việc cài đặt Bluezone cần mang tính bắt buộc, cập nhật thường xuyên để phục vụ quản lý cũng như truy vết.
Thủ tướng: Chúng ta đạt kết quả toàn diện cả về y tế và kinh tế
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực liên tục trong thời gian qua của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng như Ban chỉ đạo các địa phương, đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ quân đội, công an. Lãnh đạo nhiều địa phương đã lăn lộn, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã có nhiều biện pháp kiên quyết kịp thời về kinh tế và y tế. Đặc biệt nhiều biện pháp mới thế giới chưa áp dụng nhưng Việt Nam đã làm như cách ly tập trung, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, phong tỏa khi cần thiết, phương châm 4 tại chỗ, xét nghiệm nhanh diện rộng khi cần thiết. Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhanh, mạnh mẽ, toàn diện nhờ đó ngăn chặn được tình trạng khủng hoảng y tế lan sang kinh tế.
Thủ tướng đánh giá, chúng ta quyết liệt chống dịch nhưng không đóng cửa kinh tế và vẫn giữ được nhịp độ phát triển cần thiết. Chúng ta đã đạt được kết quả toàn diện cả về y tế và kinh tế, cơ bản bảo vệ sức khỏe người dân và đây là sự cố gắng rất lớn.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
“Những thành tích trên đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”- Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học rút ra từ thực tế chống dịch Covid-19 thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, thứ nhất là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị.
Thứ hai, quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng hàng đầu đã tạo tiền đề cho mọi nỗ lực, đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội.
Thứ ba là xây dựng, vun đắp một tinh thần tự cường, tự chủ, nỗ lực vượt khó, đoàn kết một lòng trong phát triển ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể trong xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, chúng ta là một đất nước dân chủ, việc công khai, minh bạch trong phòng, chống dịch bệnh, vai trò của công tác truyền thông trong cung cấp thông tin và tạo đồng thuận xã hội để người dân biết, kiểm tra, trao đổi, giám sát rất quan trọng.
Thứ năm là chú trọng vai trò hợp tác quốc tế, chủ động đưa ra các sáng kiến, tham gia có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, sẽ nâng uy tín và vị thế của Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, chấp hành nghiêm khai báo lưu trú, tạm trú, nhất là khai báo y tế.
Cơ quan báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.