Áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu có gì mới?
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về thuế suất 0%, đối với hàng hoá xuất khẩu, có ý kiến đề nghị quy định rõ trong Luật nhóm hàng hoá cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác (cũng được hưởng thuế suất 0%), không giao Chính phủ quy định: Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Nghị định số 08/2015/ NĐ-CP hiện đang quy định một số trường hợp hàng hoá cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác được áp dụng thuế suất 0%.
Có quan điểm cho rằng, nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất thì cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khi xuất khẩu |
Rà soát các trường hợp này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, luật hoá một số trường hợp đang được quy định tại các Nghị định và đã được áp dụng ổn định, không có vướng mắc và bổ sung quy định là hàng hóa phải được xuất khẩu để bảo đảm sự chặt chẽ trong thực hiện.
Đồng thời, loại bỏ trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam, không cho áp dụng thuế suất 0%, vì trên thực tế, hàng hoá trong trường hợp này không được xuất khẩu ra khỏi Việt Nạm; các Cục thuế đã phản ánh những vấn đề bất cập và không hợp lý thực hiện quy định này trên thực tế.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ trình kèm hồ sơ dự án Luật cũng đang dự kiến không áp dụng thuế suất 0% với trường hợp nêu trên. Cơ quan soạn thảo đề nghị nội dung này giao Chính phủ quy định để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp thực tiễn giá cả biến động.
Đối với dịch vụ xuất khẩu, dự thảo Luật thu hẹp diện dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%, cụ thể chỉ bao gồm các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực vận tải quốc tế, một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động đến môi trường đầu tư khi các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất không được hưởng thuế suất 0% như hiện hành.
Một số hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có văn bản khiếu nại do sẽ phải chịu thuế trong khi không có cơ chế hoàn thuế đầu vào. Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu khác, bao gồm cả các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phần mềm, sản phẩm cung cấp trên nền tảng số khi xuất khẩu.
Trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, về nguyên tắc, dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp chế xuất không nên coi là dịch vụ xuất khẩu vì được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam; vì vậy, để tạo sự rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện, hạn chế việc lợi dụng chính sách và phù hợp với thông lệ của nhiều nước, nhất trí với dự thảo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Quan điểm thứ hai cho hay, nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất thì cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và đặc biệt là chi phí về dòng tiền nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh cho các doanh nghiệp, nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng.
Với thực tế chậm chễ trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng như hiện nay, việc sửa đổi Luật cần được cân nhắc thấu đáo. Nếu chưa lường hết các tác động của chính sách, dự thảo Luật nên giữ như quy định hiện hành, đồng thời, bổ sung nội dung quy định các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất phải bảo đảm là các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng xuất khẩu và không bao gồm dịch vụ cho cá nhân hoặc không liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo hướng này, dự thảo Luật cũng nên được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên quy định hiện hành đối với các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác, ngoại trừ một số nội dung sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ trong áp dụng Luật, bảo đảm đúng nguyên tắc và chuẩn mực của thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, các dịch vụ xuất khẩu phải bảo đảm là được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, bao gồm cả các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm (có nội dung số) cung cấp trên nền tảng số; văn bản dưới luật sẽ quy định chi tiết về việc xác định địa điểm tiêu dùng phù hợp với bản chất của các hoạt động, giao dịch cụ thể.
Đối với các sản phẩm (có chứa nội dung số), Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo còn ý kiến khác nhau: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Luật hiện hành cho phép các sản phẩm thuộc loại này khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% và đây cũng là những lĩnh vực mà trong nước có thể xuất khẩu và cần được khuyến khích, vì vậy, đề nghị tiếp tục áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu như quy định hiện hành.
"Cơ quan soạn thảo đề nghị loại trừ, không áp dụng thuế suất 0% đối với “các sản phẩm có nội dung thông tin số thuộc nhóm giải trí” - như phim, ảnh, trò chơi được cung cấp trên mạng ra quốc tế, khi xuất khẩu" - ông Lê Quang Mạnh nêu.