ASEAN - 36 thông qua Tuyên bố vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - 36, các nhà lãnh đạo đã tham dự phiên toàn thể, nhằm rà soát tiến độ xây dựng cộng đồng kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-35, chỉ đạo hướng triển khai các trọng tâm hợp tác trong năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 |
Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi báo cáo về nỗ lực ứng phó dịch bệnh Covid-19 của ASEAN, hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Đánh giá cao vai trò Chủ tịch của Việt Nam, các nước chia sẻ đánh giá với những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến chống Covid-19 và các sáng kiến như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh… ASEAN đã gửi thông điệp mạnh mẽ về một tổ chức khu vực gắn kết, chủ động và đóng vai trò hạt nhân trong các tiến trình khu vực.
Các nước cũng nhất trí cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo cho rằng hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong 2020 sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực.
Hội nghị lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các nước thành viên |
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Nhiều nước cho rằng, dịch bệnh đã tác động đến quá trình đàm phán COC, tuy nhiên ASEAN cần sớm nối lại tiến trình này, từ đó khẳng định vai trò trung tâm và đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực. Một số lãnh đạo ASEAN cũng đề xuất các biện pháp để nới lỏng các hạn chế nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Trong tiến trình này, chuyển đổi sang kinh tế số, nhất là áp dụng các thành quả của khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Các nhà lãnh đạo cũng đã đề cập tới đào tạo, nâng cao kỹ năng của lao động trong thời đại mới, coi đây là nhân tố quan trọng trong phát triển của ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao gắn kết, thích ứng của ASEAN thời gian qua, nhất là đã đề xuất các sáng kiến, vừa phát huy vai trò của ASEAN vừa thu hút sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chung chống Covid-19. "Trong khi ASEAN tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cũng đồng thời cần thực hiện thành công các ưu tiên trong xây dựng cộng đồng, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của các nước hoàn tất Hiệp định RCEP, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của ASEAN phối hợp với các đối tác thúc đẩy xây dựng hệ thống thương mại quốc tế tự do, rộng mở. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nước sẽ hoàn tất và ký kết Hiệp định này trong năm 2020.
Thủ tướng cũng đề nghị các nước nâng cao và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN. Cùng với việc cả Indonesia và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN sẽ có cơ hội đóng góp cho các công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng lưu ý, để xây dựng thành công cộng đồng, cải tiến phương thức, bộ máy làm việc của ASEAN có ý nghĩa quan trọng. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các nước rà soát công tác triển khai Hiến chương ASEAN, đề xuất các kiến nghị tại Cấp cao ASEAN 37.
Đề cập đến tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng cho rằng, mọi quốc gia cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác.