ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới, tăng 2 bậc trong vòng 5 năm
Theo đó, Báo cáo mới nhất của ASEAN cho thấy, mặc dù nền kinh tế toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp và có nhiều sự không chắc chắn, hiệu quả kinh tế chung của khối ASEAN vẫn đầy hứa hẹn, với thương mại khu vực có tổng trị giá 2,8 nghìn tỷ USD năm 2018, tăng 23,9% so với con số năm 2015 là 2,3 nghìn tỷ USD. Khu vực này đã thu hút 154,7 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm ngoái - mức cao nhất trong lịch sử và tăng 30,4% so với dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá 118,7 tỷ USD trong năm 2015.
Ảnh minh họa |
Hội nhập kinh tế ASEAN tiếp tục đóng góp vào vị trí mới nổi của khu vực với tư cách là động lực tăng trưởng toàn cầu, với hoạt động nội khối ASEAN chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thương mại và FDI của ASEAN năm 2018 với tỷ lệ lần lượt là 23% và 15,9%. Báo cáo Hội nhập ASEAN năm 2019 nhấn mạnh nền kinh tế ASEAN ngày càng hội nhập sau sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015. AEC về cơ bản là sự hội nhập kinh tế của 10 thành viên ASEAN, được hướng dẫn bởi kế hoạch tổng thế AEC năm 2025, đưa ra những định hướng sâu rộng thông qua các biện pháp chiến lược giai đoạn 2016-2025, công nhận sự di chuyển tự do của lao động lành nghề, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên như yếu tố chính.
Sau 4 năm thực thi kế hoạch tổng thể AEC 2025, năm 2019 là thời điểm quan trọng đối với tất cả các bên liên quan, với những thay đổi đáng kể trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu mà ASEAN đang đối mặt, đây là thời điểm rất khác biệt khi lần đầu tiên kế hoạch tổng thể AEC 2025 được đưa ra năm 2015. Điều quan trọng hơn nữa là ASEAN cần duy trì các bước đi, phản ánh những gì đã đạt được và những gì cần đạt được để hướng tới mục tiêu 2025.