B-WTO II: Tạo chuyển biến năng lực hội nhập quốc tế
- B-WTO II được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Ôxtrâylia và Cơ quan Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, có mục tiêu dài hạn là tăng cường năng lực của Chính phủ quản lý hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thực hiện những ưu tiên trong kế hoạch hành động của chính phủ.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm thứ nhất giai đoạn II, 19 dự án B-WTO II đã được phê duyệt và những kết quả thu được là nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, năng lực quản lý và điều phối hội nhập, hỗ trợ tích cực địa phương, ngành hàng hội nhập.
Ngoài ra, B-WTO II cũng hỗ trợ các bộ, ngành và cơ quan chức năng đưa ra nhiều đề xuất giải quyết những thách thức hội nhập đối với khu vực nông thôn. Trong đó nổi bật nhất là dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quy định an toàn thực phẩm của các đối tác thương mại chủ chốt và đưa ra các đề xuất chính sách có giá trị đối với phát triển khu vực kinh tế này như ngành chế biến nông sản, đạo tạo nghề cho nông thôn…
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là cấu phần quan trọng của B-WTO II với 9/19 dự án được phê duyệt thuộc cấu phần này. Mặc dù đã gia nhập WTO nhưng một số thành viên WTO vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, gây bất lợi cho Việt Nam trong quá đàm phán song phương và thực hiện các cam kết quốc tế.
Cụ thể là B-WTO II đã có hỗ trợ nâng cao năng lực hoạch định, thi hành chính sách và quản lý giá; đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước; phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ; nâng cao năng lực của hiệp hội và ngành hàng.
Thực thi hiệu quả và tận dụng được lợi ích của gia nhập WTO cần có năng lực quản lý và điều phối hội nhập tốt. B-WTO II đã hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra và đánh giá tình hình triển khi nhiệm vụ trong chương trình hành động của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương.
Nổi bật nhất là Dự án “Đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO”, đã có hiệu quả rất lớn nhờ việc ra soát và đánh giá cụ thể những tác động hội nhập đến tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, xã hội, thể chế kinh tế. Từ đó, dự án đã đưa ra những đề xuất rất có giá trị như xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế để làm định hướng cho đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, đưa ra những điều chỉnh để các ngành, doanh nghiệp phát huy lợi thế cạnh tranh…
Đối với các địa phương, thông qua các Trung tâm WTO vùng, B-WTO II đã góp phần củng cố và tăng cường cầu nối giữa Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (NICEC) với các địa phương để triển khai, điều phối hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế từ trung ương xuống địa phương, thực hiện tốt các chương trình hành động. Bên cạnh đó, Dự án xây dựng Chỉ số đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh/thành phố đã phác họa hiện trạng mạnh yếu của hội nhập tại mỗi địa phương, qua đó có sự điều chỉnh, bổ sung để nâng cao năng lực.
B-WTO II được đánh giá là đã tạo ra chuyển biến về năng lực hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu với các nội dung tập trung vào các vấn đề cốt lõi về hội nhập kinh tế quốc tế có thể mang lại những tác động dài hạn.
Doanh Chính