Bà hoàng tiệc cưới thành phố biển
- Gần 50 năm trước, hình ảnh cô bé 12 tuổi, với gánh rau cao ngút đầu, rao bán khắp chợ Đầm Nha Trang dường như đã rất quen thuộc với người dân khu vực này. Cha mất sớm, chưa đầy 10 tuổi, Lê Thị Lẽo đã lao vào cuộc mưu sinh, phụ mẹ nuôi em. Chị đánh vật với số phận, từ phụ việc vựa rau, đến gánh rau đi bán và 15 tuổi, trở thành chủ vựa rau.
|
Từ thuở bé đến giờ, mỗi đêm, chị chỉ được ngủ vài canh giờ; 1-2 giờ sáng đã có mặt ở vựa rau chợ Đầm để điều phối hàng đến tận trưa; lo cơm nước bữa trưa xong, nghỉ một chút, lại đi thu tiền hàng, kết toán toa hàng... Hiện nay, chị vẫn “cày”, vẫn “chạy sô” các hoạt động thương mại của công ty và còn trực tiếp chỉ huy công trình khu vui chơi giải trí đang thi công giai đoạn nước rút, dự kiến đưa vào hoạt động vào dịp lễ hội Festival Biển Nha Trang năm 2013.
Chị nhớ lại: 12 tuổi chập chững ra làm ăn riêng, mua rau từ vựa rồi gánh đi bán dạo. Học lỏm đường đi, nước bước của các chủ vựa, 15 tuổi chị mạnh dạn tìm lên tận vườn rau Đà Lạt mua sỉ, về Nha Trang bán lẻ. Lúc ấy, cô bé đã phải đối đầu với 6 vựa rau lớn ở chợ Đầm. Sau 1 năm, cô gái ấy đã khiến các đối thủ “ngủ quên trên chiến thắng” phải giật mình. Vì lấy công làm lãi (trực tiếp lên tận vườn chọn mua), nên rau, củ, quả của chị luôn tươi, ngon và giá rẻ hơn những vựa lớn (chi phí, giá thành cao). Không chỉ có chỗ đứng trên thị trường rau, củ, quả của Nha Trang, mà thị phần cũng lớn dần và thương hiệu Lan la-ghim ra đời từ đó.
16 tuổi, chị mua được chiếc xe tải 2,5 tấn và tự học lái để thay tài xế khi cần thiết. Uy tín và thương hiệu Lan la-ghim luôn tỷ lệ thuận. Chẳng biết từ lúc nào, chị đã thống lĩnh toàn bộ thị trường rau, củ, quả của thành phố, rồi đến các huyện, thị xã và 10 tỉnh trong khu vực. Đội xe của chị có lúc lên đến 15 xe tải lớn, trung và thị trường thu mua mở rộng khắp ra cả nước: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Mỗi ngày, khối lượng rau, củ, quả chị đưa về hàng trăm tấn.
Tính ham làm, chịu thương, chịu khó đã dẫn dắt chị gầy dựng cơ ngơi. Năm 1999, chị thành lập Công ty TNHH Hoàng Lan và chuỗi nhà hàng tiệc cưới chính thức ra đời. Bởi yêu hoa lan nên chị lấy tên giao dịch là Hoàng Lan.
Với chiến thuật cạnh tranh: Giá “mềm” và chất lượng đảm bảo, ngoài mặt hàng rau, củ, quả, chị không ngại tìm về các vùng quê huyện Diên Khánh, Ninh Hòa đặt tiền cho nông dân nuôi hàng ngàn con gà thả vườn; hợp đồng độc quyền tiêu thụ thịt bò thăn tại lò mổ bò, chuyên làm bò khô,… phục vụ tiệc cưới. Đồng thời, chị cũng chú trọng đầu tư kiến trúc, trình bày và nghi thức tiệc cưới độc đáo.
|
Nhà hàng Đập nước Cầu Dứa - một trong những sảnh cưới của Hoàng Lan |
Những năm tháng bôn ba khắp nơi, chị đã thu thập, góp nhặt, vận dụng những cái hay vào hoạt động kinh doanh nhà hàng tiệc cưới của mình. Tiếng lành đồn xa, mùa cưới, có ngày tất cả các sảnh tiệc cưới của Hoàng Lan đều kín khách, nhiều khi, đặt trước 2 tháng cũng không được. Dù đông, nhưng chị vẫn tôn trọng khách hàng, dành nhiều chương trình khuyến mãi, hậu mãi cho mọi tiệc cưới. Ngoài hơn 200 nhân viên, có ngày Hoàng Lan còn sử dụng thêm trên 200 sinh viên phục vụ. Dù không nhận, nhưng người dân địa phương vẫn gắn thêm cho chị biệt danh đầy thân thương “bà hoàng tiệc cưới”.
Trong cuộc trò chuyện chân tình, chị bộc bạch: “Số tôi gánh và chia sẻ nhiều hơn là được sẻ chia. Những người thân cứ hay đùa kêu tôi giống đàn ông, nhưng thực ra cho dù có gánh vác hết công việc của gia đình, tôi vẫn là người phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối. Với tôi, không làm, không ra vựa là buồn, là muốn bệnh…” - chị cười. Nụ cười và sự say sưa công việc chính là nội lực lớn nhất giúp chị vượt qua khó khăn trên thương trường và gặt hái thành công.
Bằng trí tuệ và nhiệt huyết sống vượt lên chính mình, chị đã gây dựng sự nghiệp và thương hiệu Hoàng Lan thành công trên nhiều lĩnh vực: Chủ vựa rau, củ, quả trên toàn tỉnh Khánh Hòa và 10 tỉnh, thành phố trong khu vực; chủ chuỗi nhà hàng tiệc cưới với 3 nhà hàng, 1 khu dịch vụ giải trí và trên 10 sảnh tiệc cưới… |
Mỹ Dung