Báo động ô nhiễm môi trường từ các làng nghề Nghệ An
Cơ sở chế biến bột cá tại làng nghề Ngọc Văn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cuộc sống của người dân địa phương |
“Gồng mình” gánh ô nhiễm
Với đặc thù số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sinh sống ở nông thôn chiếm tỉ lệ lớn, các làng nghề chế biến đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề hiện nay ngày càng trở nên bức xúc do hệ lụy kép liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và môi trường sống.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 146 làng nghề; trong đó có 25 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và 10 làng nghề chế biến hải sản, tập trung ở vùng nông thôn và cửa biển. Mặc dù tạo ra khối lượng lớn sản phẩm và nhiều chủng loại có uy tín trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao nhưng hiện phần lớn làng nghề chế biến vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong đó nổi lên là vấn đề môi trường. Căn nguyên chính dẫn đến thực trạng trên là do quy hoạch của các làng nghề này vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư, dẫn đến công nghệ lạc hậu, thủ công, thiếu đồng bộ.
Cơ sở làm bún của gia đình chị Phan Thị Diễn - xóm 3 Diễn Quảng, toàn bộ nước thải đổ trực tiếp ra mương - bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường |
Hoạt động của làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương ở xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu những năm qua là một ví dụ điển hình. Bình quân mỗi ngày có trên dưới 10 tấn bún được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Với hơn 100 hộ làm nghề, mỗi ngày có hàng trăm lít nước ngâm tinh bột chưa qua xử lý được xả thẳng ra các con mương và bốc mùi hôi thối.
Về chế biến hải sản, sự phát triển của làng nghề Ngọc Văn (Diễn Ngọc - huyện Diễn Châu), cơ sở hạ tầng không được đầu tư nâng cấp thường xuyên đã dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động. Hầm chứa nước thải tập trung không đáp ứng yêu cầu, không có nắp, đáy chống thấm nên bốc mùi hôi thối trên diện rộng. Đến xóm Ngọc Văn xã Diễn Ngọc, chúng tôi thực sự kinh sợ vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ hồ chứa nước thải và mùi khói khét từ các cơ sở chế biến hải sản. Hồ chứa nước thải đen kìn kịt, đủ các loại rác lềnh bềnh trên mặt nước. Nối liền bể chứa nước là hệ thống cống chảy ra sông Đào, nước chảy ngấm vào đất, nước giếng của người dân.
Bà Nguyễn Thị Nhung, người dân sống ở gần hồ chứa nước thải bức xúc: “Quanh năm sống trong mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ không khí đến nguồn nước. Lo nhất là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, trước đây có giếng nhưng giờ bị ô nhiễm không dùng được. Mỗi tháng mỗi hộ gia đình ở đây phải mua nước ngọt về dùng với khoảng trên 600 ngàn đồng. Các nhà máy bột cá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mong muốn của bà con nơi đây là sớm di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư”.
Khó đảm bảo VSATTP
Hồ chứa nước thải ở xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) bị ô nhiễm nặng |
Được biết, làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn được công nhận làng nghề năm 2008. Làng có trên 100 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phát triển theo hướng làng nghề tự phát, sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình. Quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công, nguồn nước thải không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Hiện vấn đề ô nhiễm do hồ chứa nước thải tại xã Ngọc Văn rất nghiêm trọng. Xã đã nhiều lần kiến nghị nhưng UBND huyện Diễn Châu chưa có phương án xử lý. Xã đã đầu tư xây dựng đường nước sạch từ Công ty Nước sạch Diễn Châu cho làng nghề. Về lâu dài, người dân Diễn Ngọc đang mong chờ Dự án nâng cấp cải tạo cảng cá Lạch Vạn đã được Bộ NN&PTNN phê duyệt. Cùng đó, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải làng nghề chế biến thủy hải sản Ngọc Văn do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư sẽ sớm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường của địa phương.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết: “Ô nhiễm môi trường trên địa bàn hiện nay không chỉ ở các hộ gia đình nhỏ lẻ mà ở cả các cơ sơ sản xuất lớn, do không được đồng bộ các khu xử lý nước thải tập trung. Yêu cầu các địa phương sớm quy hoạch các khu, cụm công nghiệp làng nghề để đảm bảo hạ tầng thoát nước xử lý môi trường…”.
Nhằm góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và ATVSTP ở các làng nghề chế biến thực phẩm, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 47, chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATVSTP trên địa bàn từ khâu sản xuất, chế biến. Cùng với đó, các cấp, ngành cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong công tác đảm bảo ATVSTP ngay từ khâu chế biến; qua đó gắn trách nhiệm của người sản xuất với vấn đề đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và hiện thực hóa mục tiêu phát triển KT-XH bền vững cho các làng nghề.
Trên thực tế, việc phát triển các làng nghề chế biến thực phẩm, hải sản là định hướng cần được khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các hộ thuộc làng nghề cũng cần thay đổi tư duy trong việc từ bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công để tham gia vào mô hình làng nghề tập trung theo quy hoạch. Có như vậy, “bài toán” môi trường sống mới được giải quyết, đồng thời góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của các làng nghề.