CôngThương - Động lực thúc đẩy DN phát triển
Nhận thấy, nguồn kinh phí khuyến công mang lại lợi ích thiết thực, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, năm 2010, Trung tâm Khuyến công tỉnh (TTKC) đã hỗ trợ 6 đề án xây dựng mô hình trình diễn với hơn 2 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ từ hai nguồn khuyến công, giúp các DN, cơ sở sản xuất (CSSX) trong tỉnh đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất.
Tiêu biểu, TTKC đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho Công ty TNHH Thanh Sơn (huyện Xuyên Lộc) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nhân hạt điều bằng thiết bị máy bóc vỏ lụa. Thiết bị có mức đầu tư gần 1 tỷ đồng với công suất máy đạt 1 tấn sản phẩm/ca (8 giờ) và tỷ lệ nhân sạch đạt 80-90%. TTKC cũng đang hỗ trợ cho DN xây dựng nhà máy chế biến hạt điều, nhà máy có tổng số vốn đầu tư 11 tỷ đồng và công suất thiết kế đạt 20 tấn điều nguyên liệu/ngày. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho 700 lao động với thu nhập bình quân đạt khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, TTKC còn hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cồn khô từ vỏ điều cho nông dân huyện Xuyên Mộc. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, trái điều được chưng cất thành cồn khô còn giải quyết được vấn đề môi trường và đảm bảo an toàn cho người sử dụng…Theo tính toán, khoảng 5 tấn điều/ha sẽ chế biến ra khoảng 440 kg cồn khô, với giá cồn hiện nay trên thị trường dao động từ 16.000 – 20.000 đồng/kg, thì người nông dân có thêm thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, TTKC còn thực hiện đề án hỗ trợ kinh phí xây dựng hạng mục xử lý môi trường ở cụm công nghiệp Hắc Dịch 1 (Tân Thành), hỗ trợ xây dựng chi tiết cụm công nghiệp Bến Đầm (Côn Đảo), hỗ trợ lắp hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cho các trường mầm non và mẫu giáo tại huyện Đất Đỏ .
Đảm bảo an sinh xã hội
Xác định công tác đào tạo nghề, truyền nghề là một trong những nội dung chủ yếu của hoạt động khuyến công, TTKC đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề nhằm tạo ra một đội ngũ lao động có tay nghề, có ý thức lao động cao cung cấp cho các DN, CSSX trong tỉnh. Năm 2010, sau khi khảo sát về nhu cầu lao động thực tế ở các DN, CSSX, TTKC đã phối hợp với các Trung tâm dạy nghề, nghệ nhân ở các làng nghề trong tỉnh triển khai 10 đềán đào tạo nghề, đào tạo cho 700 lao động khu vực nông thôn các nghề mây tre đan, sò ốc mỹ nghệ, may công nghiệp, đúc đồng, làm đá…Mới đây, TTKC đã hoàn thành đề án chuyển đổi nghề cho 200 lao động chế biến hải sản sang nghề làm mây tre đan tại xã Long Sơn và huyện Long Thành (TP. Vũng Tàu).
Về hiệu quả của các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, bà Trần Thị Kim Thu nhận định: Đề án đào tạo nghề, truyền nghề luôn là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện hàng đầu của Trung tâm. Tuy không là nội dung có số kinh phí hỗ trợ cao nhất, nhưng những đề án đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn, với hơn 80% số lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Đời sống của người lao động khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo…
Ngoài ra, công tác tuyên truyền quảng bá cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh cũng được TTKC tỉnh chú trọng thực hiện như: tổ chức Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam lần thú II, tuyên truyền miễn phí cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên các phương tiện thông tin, hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng cho các DN tham gia các hội chợ, triển lãm…
Với nhiều nỗ lực và phương pháp thực hiện khoa học có hiệu quả, hoạt động khuyến công đã tạo nên một diện mạo mới cho ngành công nghiệp nông thôn tỉnh BRVT, góp phần nâng cao vị trí của ngành trong cơ cấu kinh tế-xã hội của tỉnh.