Bà Rịa – Vũng Tàu: Đối thoại, gỡ khó cho chợ truyền thống
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 79 chợ nằm trong quy hoạch, trong đó có 3 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2; 62 chợ hạng 3 và chợ tạm; không có chợ đầu mối. Trong số 79 chợ thì 66 chợ do nhà nước quản lý; 13 chợ do doanh nghiệp quản lý.
Hội nghị đối thoại với tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024. |
Cũng theo ông Lê Văn Danh, phần lớn chợ nằm trên địa bàn đô thị đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không được đầu tư mới từ ngân sách Nhà nước, mà phải thực hiện việc xã hội hóa đầu tư theo quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, do có một số chợ không thu hút được nhà đầu tư tham gia xã hội hóa dẫn đến tình trạng chợ ngày càng xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ; ngoài ra, cơ sở hạ tầng của một số chợ đầu tư xã hội hoá do doanh nghiệp quản lý đã bị xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Hiện nay, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, Trung tâm thương mại, mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử, qua web, qua mạng xã hội... ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Từ đó dẫn đến tình trạng buôn bán tại chợ truyền thống ế ẩm (đặc biệt ở các mặt hàng quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng,…), tiểu thương nghỉ bán, quầy, sạp không có người thuê,... (trong chợ chỉ có khu vực bán hàng tươi sống, hàng ăn là có đông khách hàng), dẫn đến thị phần của chợ truyền thống dần bị thu hẹp lại.
Các tiểu thương chia sẻ những khó khăn, đóng góp ý kiến tại Hội nghị. |
Cùng với đó, công tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp chợ vướng mắc do quy định; công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng gặp khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động chưa hiệu quả; công tác xử lý, dẹp bỏ đối với các chợ tự phát còn hạn chế; việc xử lý đối với các hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi chợ hay xây dựng văn minh thương mại chưa được quyết liệt.
Tại Hội nghị, nhiều tiểu thương đã bày tỏ những khó khăn liên quan đến giá dịch vụ thuê kiot, giá thuế, tình trạng chợ tự phát còn diễn ra tràn lan dẫn tới cạnh tranh không công bằng.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Sở Công Thương đã trả lời, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của tiểu thương, ban quản lý chợ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Danh trao đổi với tiểu thương. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận các ý kiến, kiến nghị và chia sẻ với những khó khăn của bà con tiểu thương.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp cải thiện kinh doanh, đầu tư, cải tạo chợ cho tiểu thương và người dân.
Đồng thời, Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có những giải pháp nhằm chấn chỉnh tỉnh trạng bán hàng rong, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ tiểu thương thay đổi cách thức bán hàng, quảng bá sản phẩm.