Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo CNTT tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo CNTT – là đại diện lãnh đạo của các sở ngành, huyện, thành phố.
Trước đó, vào cuối tháng 8, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh làm trưởng đoàn đã tham quan và trao đổi về mô hình Thành phố thông minh tại Singapore và Hàn Quốc. Tại đây, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về mô hình thành phố thông minh tại một số nơi, đặc biệt là thành phố Songdo của Hàn Quốc.
Thành phố Vũng Tàu được đề nghị chọn làm địa điểm xây dựng thành phố thông minh |
Chuyên gia của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế cho biết, việc xây dựng thành phố thông minh là một quá trình, không thể nóng vội mà phải làm từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh để hoàn thiện dần. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, vào trọng tâm định hướng của chính quyền sẽ đưa ra mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố thông minh sau đó phát triển ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực được chọn. Ông cũng lưu ý, đây là việc tốn kém nhiều nguồn lực (tài chính, nhân lực,…) nên cần phải huy động sự tham gia từ nhiều nguồn. Trước mắt, đề nghị chọn địa điểm xây dựng thành phố thông minh là thành phố Vũng Tàu.
Để cho các đại biểu tham dự hiểu rõ hơn về mô hình thành phố thông minh, ông Lee Sang Ho - Giám đốc Trung tâm điều hành thành phố thông minh IFEZ (Incheon U-city) - đã trình bày về Trung tâm điều hành thành phố thông minh và đề xuất giải pháp Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, mô hình tương tác Trung tâm điều hành tập trung vào 4 vấn đề chính là: theo dõi và điều hành suốt 24 giờ, thông tin tổng hợp cho lãnh đạo, thông tin cho công dân và nâng cao chất lượng sống.
Ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch cho biết, việc xây dựng đô thị thông minh tại Bà Rịa – Vũng Tàu không phải là xây dựng đô thị mới mà xây dựng trên nền đô thị cũ, do đó sẽ bị ảnh hưởng bởi tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân đồng thời bị ràng buộc bởi những thiết chế, chính sách, pháp luật, quy định hiện tại của TW và địa phương; do đó đề nghị chuyên gia nghiên cứu, tư vấn mô hình, giải pháp phù hợp để có thể triển khai tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Thông cũng lưu ý các lĩnh vực trọng tâm cần quan tâm khi xây dựng đô thị thông minh là: y tế, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự, giao thông, du lịch.. Ông cũng mong muốn việc xây dựng đô thị thông minh sẽ kết nối đồng bộ với công tác xây dựng chính quyền điện tử mà tỉnh đang thực hiện.