Bắc Giang 7 tháng, thu hút được 1.543,7 triệu USD vốn đầu tư Bắc Giang tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp |
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu
Tại Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” tổ chức mới đây, đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bắc Giang thông tin, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 09 KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, với tổng diện tích quy hoạch 2.252,3 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã được chấp thuận là 69%.
ảnh minh họa |
Tính đến tháng 3/2024, trong các KCN đã thu hút được 498 dự án đầu tư (bao gồm 384 dự án FDI và 114 dự án DDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi 11,15 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 7,75 tỷ USD. Hiện tại trong các KCN có 426 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 190.400 lao động; thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tại các KCN của Bắc Giang, hiện nay, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành này là 8.074 lao động, trong đó có 175 chuyên gia là lao động người nước ngoài. Lao động được tuyển vào doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.
Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý KCN Bắc Giang cũng chỉ rõ, do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Do vậy, lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc.
Chung tay giải bài toán nhân lực cho ngành công nghiệp
Dự báo trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các KCN tại Bắc Giang với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 là 1.866 lao động. Trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là: 281 lao động, lao động phổ thông là 1.585 lao động. Giai đoạn 2025-2030, nhu cầu tuyển dụng là khoảng 6.300 người. Trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động (chủ yếu lao động tốt nghiệp chuyên ngành về các lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.…), lao động phổ thông là 5.100 người.
Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghệ cao, đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Song, để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ gặp không ít khó khăn, cần phải có khá nhiều thời gian đào tạo bài bản, chuyên sâu… đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư.
Đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động làm việc các doanh nghệp sản xuất chất bán dẫn là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Bắc Giang. Chính vì lẽ đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp phối hợp, hỗ trợ các trường Đại học, Cao đẳng trong liên kết đào tạo với doanh nghiệp trong các KCN.
Cụ thể, Ban Quản lý các KCN sẽ là cầu nối cho các trường Đại học, Cao đẳng liên hệ, tiếp cận, liên kết với doanh nghiệp trong các KCN và ngược lại; Xây dựng hệ thống và cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực, xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng các doanh nghiệp tham gia liên kết với nhà trường; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo cùng nhà trường; xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích hoạt động liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc liên kết đào tạo.
Các trường Đại học, Cao đẳng cũng cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp để từ đó xây dựng khung chương trình, kiến thức đào tạo, đánh giá sinh viên... phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp ngay từ khi ở trong nhà trường. Cử các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp đào tạo, học tập, trao đổi kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình đào tạo, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật và quản lý giỏi tại các doanh nghiệp đến làm giảng viên bán thời gian; Phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên tham quan, thực tập, tìm hiểu quy trình sản xuất, những công nghệ hiện có nhằm giúp sinh viên định hướng được ngành nghề mình đang học và xác định mục tiêu học tập của sinh viên.
Đối với doanh nghiệp, cần thông tin cho các trường Đại học, Cao đẳng về nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình, cùng tham gia đào tạo bằng cách đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế. Hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất, thiết bị… thông qua các hình thức hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học, xây dựng khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho giảng dạy và học tập. Cử các chuyên gia, chuyên viên, công nhân lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực tập; tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; tiếp nhận sinh viên về thực hành, thực tập và huấn luyện đào tạo kỹ năng, đào tạo nghiệp vụ cho các ngành, nghề đặc thù; tạo điều kiện và phối hợp tổ chức cho sinh viên tham quan, trải nghiệm; phối hợp cùng nhà trường và tham gia vào quá trình đánh giá, kiểm tra chất lượng người học. Hàng năm có nhận xét, báo cáo, đánh giá, hội thảo… về hoạt động đào tạo liên kết với doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, nhằm tăng hiệu quả đào tạo tại doanh nghiệp.