Bắc Ninh: Hướng đến chủ trương “2 ít, 3 cao” trong thu hút FDI
Thu hút 1.581 dự án FDI
Bắc Ninh là địa phương có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với chỉ 822,71 km2, tuy nhiên, theo ông Vương Quốc Tuấn, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 1.581 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số những dự án FDI đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới, điển hình như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), VISIP (Singapore)…
|
Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 mới đây, ông Vương Quốc Tuấn cho rằng: Do không có “lợi thế” về diện tích, nên địa phương đã tìm ra hướng đi riêng trong phát triển và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI. Cụ thể, một trong những hướng đi riêng đó là công tác quy hoạch, phát triển khu công nghiệp (KCN) được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm từ năm 1997, nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 16 KCN tập trung, 1 KCN công nghệ thông tin và 26 cụm công nghiệp với diện tích đất trên 8.000 héc-ta.
Cùng với đó, Bắc Ninh cũng sở hữu một hệ thống giao thông khá phát triển, việc kết nối sân bay, cảng biển, cửa khẩu được các cấp lãnh đạo địa phương rất chú trọng. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động cũng được lãnh đạo địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng bộ trong hạ tầng, đồng bộ trong chính sách và chủ trương đã khiến Bắc Ninh hấp dẫn được nhiều dự án FDI lớn. Đặc biệt, theo ông Vương Quốc Tuấn, có rất nhiều dự án của các tập đoàn đa quốc gia hoạt động hiệu quả và liên tục mở rộng đầu tư tại địa phương chính là kênh xúc tiến đầu tư hiệu quả, giúp địa phương thu hút được nhiều dự án vệ tinh.
"2 ít, 3 cao" và "4 sẵn sàng"
Là địa phương có diện tích nhỏ, nhưng lại có nhiều dự án đầu tư hoạt động, nên ông Vương Quốc Tuấn cho biết, thời gian tới tỉnh Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít, 3 cao”. Trong đó, “2 ít” là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động, bởi hiện các KCN tập trung trong tỉnh có quy mô lên tới 500 nghìn lao động, với quy mô này số lao động địa phương chỉ đáp ứng được 25%, còn lại là lao động nhập cư. Lượng lao động nhập cứ lớn sẽ tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng của tỉnh, vì vậy tập trung những dự án sử dụng ít lao động cũng là để giảm áp lực lên hạ tầng kinh tế-xã hội của địa phương.
““3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao” – ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Bắc Ninh đã thu hút được 1.581 dự án FDI |
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh thời gian vừa qua cũng đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, mới đây đã tiến hành ký kết hợp tác 3 bên giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Samsung. Với dự án hợp tác này, Samsung sẽ lựa chọn khoảng 20 doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, sau đó sẽ đứng ra hỗ trợ đào tạo về nguồn nhân lực và đào tạo về việc chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp địa phương đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Đây là chính sách được các doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao, kỳ vọng sẽ tạo đột phá, thúc đẩy liên kết và tăng lan tỏa từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước.
Nhằm xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra “4 sẵn sàng” trong thu hút đầu tư. Trong đó, sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. Theo đó, để sẵn sàng nguồn nhân lực, tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT khi tham gia học nghề tại các trường trên địa bàn tỉnh, cùng với đó là chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhằm nâng cao chất lượng lao động, tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại địa phương.
Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút nhiều dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực điện thoại, điện tử, tiến tới đưa địa phương trở thành nơi có công nghệ sản xuất điện thoại lý tưởng trên thế giới. |