Với mong muốn ngành CNHT sẽ trở thành động lực phát triển cho công nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng đến 4 nhóm ngành chính là: Điện tử - tin học; cơ khí chế tạo; lắp ráp ôtô xe máy; dệt may - da giày. Mục tiêu đến năm 2020, CNHT của Bắc Ninh sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển, tham gia vào sản xuất và cung cấp phần lớn linh kiện, phụ tùng; cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Đến năm 2030, ngành CNHT của Bắc Ninh sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu đó, Sở Công Thương Bắc Ninh đã và đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT. Trong đó, sẽ có chính sách riêng, đặc thù như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, triển khai cơ chế “một cửa”, giảm bớt thủ tục hành chính.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước cho phép thành lập Phòng Phát triển CNHT để tạo lực đẩy hỗ trợ phát triển CNHT. Thời gian tới, Phòng Phát triển CNHT sẽ định hướng cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất cho các DN đầu tư nước ngoài trong các khu, cụm công nghiệp; tư vấn hỗ trợ, đào tạo nhân lực giúp các DN tham gia sản xuất linh kiện, điện tử, cơ khí, sản phẩm nhựa, bao bì theo tiêu chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị sản xuất; xúc tiến, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm CNHT…
Có thể nói, các chính sách khuyến khích về phát triển CNHT của Bắc Ninh có nhiều ưu đãi vượt trội so với các địa phương khác. Điều này đã giúp nâng cao năng lực của các DN CNHT, làm thay đổi diện mạo ngành CNHT, góp phần sớm đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.