Bắc Ninh: Tạo sức bật cho công nghiệp, thương mại
Mục tiêu lớn trong 2020
Năm 2020 là năm cuối cùng triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng tỉnh Bắc Ninh về các mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 và là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp của tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững; tạo bước đột phá phát triển dịch vụ thương mại văn minh, hiện đại; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, sớm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thành phố Trung ương, thành phố thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử.
Trong đó, đối với công nghiệp, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ cho các ngành chủ lực tạo ra giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; hình thành cụm liên kết ngành trên cơ sở lấy doanh nghiệp lớn là hạt nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa là các vệ tinh cung ứng... gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Các khu công nghiệp Bắc Ninh thu hút nhiều dự án lớn |
Đối với thương mại, mục tiêu là phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển thị trường khu vực nông thôn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; thực hiện việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đặc biệt là các hạ tầng thương mại có quy mô cấp vùng, khu vực.
Cụ thể, năm 2020, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.139,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 36 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 29 tỷ USD, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 68.500 tỷ đồng, tăng 12% so năm 2019. Riêng đối với các khu công nghiệp Bắc Ninh năm 2020 phấn đấu, thu hút khoảng 90-95 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng đạt khoảng 1,1 tỷ USD.
Nếu đạt được các mục tiêu trên, Bắc Ninh tiếp tục là địa phương gây ấn tượng bởi sức bật ngoạn mục trong phát triển công nghiệp và là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp. Bởi trước đó, năm 2019, Bắc Ninh xếp thứ nhất cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, đạt 1.242 nghìn tỷ đồng; thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu, đạt 35,05 tỷ USD; xếp thứ 6 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...
Công nghiệp Bắc Ninh hiện đã có những thay đổi cơ bản về chất lượng, chủng loại theo hướng hàm lượng công nghệ cao, có thương hiệu mạnh đặc biệt là các sản phẩm điện, điện tử của các tập đoàn đa quốc gia thuộc khu vực FDI. Tỉnh đã hình thành 3 ngành công nghiệp trọng điểm: Điện tử - tin học; cơ khí chế tạo; chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống.
Trọng tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, để đạt được các mục tiêu trên, Sở sẽ xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động của ngành Công Thương để cụ thể hóa các chỉ tiêu kế hoạch, dự án, đề án, báo cáo trong năm 2020; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị và giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh trong chỉ đạo thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trong đó, tổ chức xây dựng các chương trình, đề án, dự án trình các cấp trong năm 2020 gồm: Quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035; quyết định ban hành Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển và xử lý môi trường cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; đề án phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo hướng văn minh hiện đại…
Đặc biệt, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt và ban hành; xây dựng Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp quốc gia đặt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ cải tiến doanh nghiệp thông qua việc lồng ghép vào hoạt động khuyến công, chương trình khởi nghiệp, tích cực triển khai các nội dung hợp tác với các doanh nghiệp FDI đặc biệt là Samsung trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI.
Mặt khác, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng hương mại, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động…; khuyến khích các cửa hàng bán lẻ truyền thống phát triển thành các cửa hàng tiện lợi; thực hiện việc cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại hiện có cùng với việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có vai trò lan tỏa trong phạm vi khu vực và vùng. Trước mắt là dự án “Khu liên hợp - dịch vụ nông sản - chợ đầu mối Thuận Thành”…
Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh định hướng về mô hình, cách thức hoạt động để hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh; xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển Trạm biến áp 110kV Thuận Thành 6 và các nhà máy điện rác tại Thuận Thành, Quế Võ, Lương Tài vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Ninh làm cơ sở để đầu tư, triển khai thực hiện dự án. |