Bài 1: Hạn hán ''đe dọa'' Ninh Thuận
Nắng rát nơi khô hạn bậc nhất cả nước
Với khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, tỉnh Ninh Thuận được xem là vùng khô hạn nhất cả nước, mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh này hầu như không mưa, ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi. Một số sông suối, ao hồ dần cạn, có nơi trơ đáy, cỏ dại cũng từ màu xanh chuyển sang vàng sạm, bạc trắng, cuộc sống của người dân đảo lộn.
Hồ Ông Kinh là công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), dung tích 0,83 triệu m3 nhưng hiện cạn trơ đáy. Lòng hồ sót lại vài ao nước do người dân bơm trữ từ giếng khoan dẫn về. |
Giữa trưa nắng chói chang, bà Trần Thị Đường (67 tuổi, trú thôn Mỹ Tường 1) lầm lũi bước ra giữa hồ Ông Kinh để kiểm tra máy bơm, cố "mót" từng giọt nước để về trồng hành tại ao chứa nơi lòng hồ được người trong thôn khoan giếng, bơm trữ.
Bà Đường cho biết phải dùng máy bơm để lấy nước về, nhưng từ khi hồ cạn máy bơm cũng "phủ bụi" nhiều tháng nay vì hồ đã cạn kiệt. "Hành ở nhà héo hết rồi, không có nước vất vả lắm", bà Đường nói.
Nhiều nơi dưới lòng hồ Ông Kinh nứt toác. |
Các hộ dân sống quanh hồ Ông Kinh dùng máy bơm hút nước từ hồ để tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Theo người dân, hồ dần cạn từ đầu năm, một số người bắt đầu khoan giếng ngay trong lòng hồ để tìm nguồn nước ngầm rồi chứa vào một cái ao tạm, từ đó bơm tiếp về vườn.
Hàng trăm máy bơm, ống nước của người dân phơi nắng vì không có nước hút. |
Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận thông tin, tính đến ngày 15/4, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 176,17 triệu m3, bằng 42,2% tổng dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm trước 21,1%.
Hồ Ông Kinh ở huyện Ninh Hải đã cạn trơ đáy, hồ thuỷ lợi ở huyện Thuận Nam như hồ CK7 cũng chung tình trạng, hồ Sông Biêu, Bầu Ngứ và Suối Lớn đã xuống mực nước chết. Thời gian đến, một số hồ khả năng sẽ hạ thấp đến dưới mực nước chết gồm Bầu Zôn, Tà Ranh, Lanh Ra (huyện Ninh Phước), Tân Giang (huyện Thuận Nam), Phước Nhơn (huyện Bác Ái).
"Tình trạng nắng nóng dự báo tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt hơn trong 2 tháng tới, khiến cho mực nước tại một số hồ chứa sẽ tiếp tục giảm thấp, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam", ông Trí cho hay.
Hàng nghìn hộ dân quay quắt vì nắng nóng
Tại hồ chứa nước Sông Trâu (huyện Thuận Bắc), người dân các xã Phước Chiến, Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn vẫn đang dẫn được nước về đồng ruộng của mình. Nhưng theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, hồ Sông Trâu giờ đây đã tiệm cận mực nước chết.
Do đó khó cấp nước tưới cho khoảng 3.000 ha đất canh tác nông nghiệp và cấp nước thô để sản xuất nước sinh hoạt, dịch vụ và công nghiệp, cấp nước cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoàn trả cấp nước hạ du để bảo đảm nguồn nước nuôi trồng thủy sản...
Hồ Sông Trâu giờ đây đã tiệm cận mực nước chết. |
Ngoài ra, 4 hồ thuỷ lợi khác trên địa bàn huyện Thuận Bắc cũng trong tình trạng tương tự. Nếu thời tiết tiếp tục khắc nghiệt, lượng nước hao hụt nhanh, nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới là rất lớn. Trong bối cạnh đó, nhiều người nông dân lo ngại khô hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Ông Reo (54 tuổi, đồng bào Raglai, trú xã Phước Chiến) cho biết đã 4 tháng nay vẫn chưa có mưa về, nếu thời gian tới không mưa thì ông đành bỏ ruộng. "Vì khi hồ Sông Trâu cạn, những ruộng đồng ở xa kéo nước về rất vất vả. Tôi cũng đang chưa biết nên gieo vụ Hè Thu hay không vì sợ thiếu nước khi nghe dự báo nắng nóng kéo dài", ông Reo nói.
Ông Reo phân vân việc gieo vụ tới do dự báo thời tiết nắng nóng gay gắt. |
Khó khăn hơn, ông Lâm Học Mười (48 tuổi, trú xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) sống cạnh hồ thuỷ lợi Ông Kinh, buồn rười rượi khi hồ cạn trơ đáy vì nắng nóng, thiếu nguồn nước tưới, đất cằn cỗi nên quyết định không trồng đợt hành mới.
"Giờ đây, tôi không trồng hành nữa vì trời quán nắng nóng và thiếu nước, hành trồng lên không đẹp, dễ bệnh chết. Nếu tháng sau có mưa, trời mát tôi sẽ trồng lại", ông Mười nói.
Ngoài trồng hành, nhà ông còn nuôi 30 con cừu, ông Mười thường dùng máy bơm chìm giếng khoan 3 ngựa (3hp) cho lỗ khoan khoảng 150 m, nhưng giờ đây giếng cũng dần cạn vì "quá nhiều hộ dân khoan giếng, tranh nhau từng mạch nước ngầm".
"Mình vẫn tranh thủ bơm nước lên để cho cừu uống, còn hành thì chịu thua", ông Mười lắc đầu. Đất trống không thể sản xuất, gia đình ông còn phải thêm tiền mua nước bình để sinh hoạt và nấu ăn.
Đất sản xuất bỏ trống ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) vì thiếu nước tưới. |
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trường hợp hạn hán kéo dài, lượng mưa thấp kết hợp với nắng nóng sẽ dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt nông thôn xảy ra gay gắt. Hiện nay, một số nguồn nước suối đã giảm, như tại Suối Lạnh, Ô Căm, Lồ Ồ, Kiền Kiền, A Nhân, Ma Nhông, Tập Lá,...
Có khoảng 1.500 hộ với gần 6.000 nhân khẩu của các xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn), xã Phước Tiến (huyện Bác Ái),... có khả năng thiếu nước sinh hoạt, cần được chở nước phục vụ. Cùng với đó, nhiều diện tích nông nghiệp phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024, nếu trường hợp xấu nhất trong tháng 5 không có mưa thì năm nay Ninh Thuận phải dừng sản xuất gần 7.600 ha, trong đó gần 4.900 ha cây màu và 2.692 ha lúa, tập trung ở các xã thuộc huyện Bác Ái, Thuận Nam và Ninh Phước.
Suối nước cạn khô ở huyện Thuận Bắc. |
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, do hiện tượng El Nino, thời tiết sẽ có những diễn biến bất thường, ngoài quy luật và khó dự báo ngay trong tháng 5,6 và khả năng duy trì tới đầu năm 2025. Có khả năng xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn cục bộ vào sâu trong sông từ 0,5 đến 1,5 km; riêng sông Cái Phan Rang từ 4 đến 6 km.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, khi tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài, ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng cũng sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện, thiếu nước ngọt phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác như: Dịch vụ kinh doanh du lịch; sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp,...
Trước tình hình đó, cùng với các chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, chính quyền Ninh Thuận đã khẩn trương vào cuộc, thực thi nhiều giải pháp để bảo đảm không có người dân nào bị thiếu nước sinh hoạt.
(Còn nữa)
Bài 2: Khẩn trương ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn