Lời tòa soạn: Trong những năm gần đây, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng GDP, bảo đảm các cân đối lớn; chuỗi cung ứng lao động hồi phục nhanh… Trong các thành tích nổi bật chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành Công Thương trong đó có hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Loạt bài viết "Sứ giả kinh tế" trong tiến trình hội nhập quốc tế do Nhóm Phóng viên Vuasanca thực hiện sẽ làm rõ hơn vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống Thương vụ đã và đang phát huy hiệu quả vai trò “sứ giả kinh tế” trong hội nhập; bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế-thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài. Tin rằng, trong thời gian tới, hoạt động Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới và hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam thật sự trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành Công Thương và kinh tế đất nước. |
Hàng loạt Nghị quyết lớn của Đảng, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định rõ: "Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế".
Những năm qua, kiên định triển khai thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Các kết quả về đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được trong thời gian qua càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới trải qua nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, như cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra đến nay vẫn chưa có hồi kết, kinh tế - xã hội toàn cầu gặp nhiều khó khăn lớn và sự bùng phát, kéo dài của đại dịch Covid-19 vừa qua.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Công Thương đã phát huy vai trò tiên phong, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước; đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai đàm phán, ký kết các liên kết kinh tế mới, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với các nước, các khu vực còn tiềm năng gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc.
79 năm sau Cách mạng tháng Tám, từ một nước chủ yếu nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may, thiết bị điện tử... Thành quả này đến từ chủ trương, chính sách đúng đắn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công Thương, doanh nghiệp và người dân.
Doanh nghiệp Việt đã "vững chân" trên trường quốc tế
Trong vài năm trở lại đây, đã có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, đưa sản phẩm chất lượng, công nghệ cao đến với người tiêu dùng toàn cầu. Câu chuyện của VinFast là minh chứng rõ nhất. Năm 2021, VinFast đã mang lại cho Việt Nam và kể cả giới “mê” xe hơi nhiều bất ngờ khi tham gia Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 và trình làng 2 mẫu ô tô điện.
Hình ảnh vui mừng của các lãnh đạo VinFast tại sàn chứng khoán Mỹ. Ảnh: Vingroup |
Tiếp đến, tháng 9/2022, tại Nhà máy ở Hải Phòng, doanh nghiệp này đã tổ chức bàn giao 100 ô tô điện VF 8 và đã cho xuất khẩu lô xe VF 8 với số lượng khoảng 5.000 chiếc tới Mỹ, Canada và châu Âu vào đầu tháng 11 cùng năm. Và đến năm 2023, VinFast tiếp tục “gây sốt” toàn cầu với sự kiện VinFast niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ diễn ra tại Mỹ ngày 15/8. Sự kiện này không chỉ là bước tiến đột phá của riêng Vingroup mà còn là bước tiến đáng tự hào của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trên con đường toàn cầu hóa.
Hay như với Vinamilk, sau khi đạt được thành công tại thị trường nội địa, công ty sữa hàng đầu Việt Nam tích cực khai thác các cơ hội để mở rộng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, thông qua hoạt động đầu tư và xuất khẩu nhằm từng bước gia tăng doanh thu, hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Đông, Vinamilk cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các thị trường lớn như: Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… và có mặt tại hầu hết các nước Đông Nam Á. Xuất khẩu hiện đang đóng góp gần 15% doanh thu của Vinamilk và tiếp tục gia tăng về cả sản lượng và giá trị.
Nông sản Việt "không còn vô danh"...
Ở góc độ ngành nông nghiệp, chúng ta cũng ghi nhận được nhiều hơn những câu chuyện xuất khẩu hàng hóa. Đây luôn là câu chuyện thú vị, trong đó có những câu chuyện thành công và cũng không ít những câu chuyện thất bại.
Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, tại thị trường Australia, với lòng tự hào dân tộc, những năm qua Thương vụ đã cùng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.
Năm 2019, tại thị trường Australia, người tiêu dùng nước này chỉ biết đến các sản phẩm gạo Thái Lan. Thậm chí, trong chuyến khảo sát vào năm 2019, các cán bộ Thương vụ cảm thấy chạnh lòng, dù Việt Nam là một cường quốc về xuất khẩu gạo nhưng tại Australia, khi tổ chức các chương trình thiện nguyện cho kiều bào Việt, người Việt Nam phải bỏ tiền để mua gạo Thái Lan tặng lại người Việt.
Năm 2019, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đồng loạt triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu gạo ST25 tại Australia dù lúc đó thương hiệu gạo này chưa xuất khẩu sang Australia. Ảnh minh họa |
Khắc phục tình trạng này, năm 2019 tại Philippines, thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đã đạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Tận dụng thời cơ, cơ hội, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đồng loạt triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu gạo ST25 tại Australia dù lúc đó thương hiệu gạo này chưa xuất khẩu sang Australia.
Chính sự vào cuộc kịp thời đó, Thương vụ đã thúc đẩy nhiều nhà nhập khẩu tại Australia tìm hiểu, quan tâm nhập khẩu gạo ST25 của Việt Nam. Ngay sau đó, để gia tăng thị phần cho gạo Việt Nam tại thị trường này, Thương vụ đã triển khai loạt các sự kiện lớn về dùng thử gạo ST25 và các loại gạo khác của Việt Nam tại thành phố Sydney cũng như tại các bang xa.
Ngoài ra, Thương vụ cũng tự kết nối để đưa gạo Việt vào các vùng sâu, vùng xa của Australia như tận vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia, cách Sydney đến 6h bay. Với những nỗ lực chưa từng có của Thương vụ cũng như sự cố gắng đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay, gạo Việt Nam với đủ loại nhãn hiệu đã được phổ biến tại Australia.
Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường Australia mà cơ quan Thương vụ cũng đã nỗ lực bảo vệ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường này. Khi xảy ra câu chuyện nhãn hiệu ST25 bị đánh cắp, dù có nhiều ý kiến đây là tên giống lúa, đồng thời là tài sản doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ chi phí để bảo vệ, tuy nhiên, Thương vụ đã chủ động vào cuộc làm việc mạnh mẽ với các Cơ quan chức năng bên phía Australia, cũng như chủ động với công ty, doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu ST25 và thông tin rộng rãi tại thị trường này.
Thương hiệu gạo “Cơm Việt Nam Rice” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị Carrefour và Leclerc (Cộng hòa Pháp). Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Pháp |
Vào năm 2022, ngành gạo Việt Nam cũng đón nhận nhiều tin vui, cùng lúc khi hai doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam "đưa" thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của mình sang châu Âu và Nhật Bản.
Cụ thể, khi đó, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của doanh nghiệp đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên gạo do Tập đoàn Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường "khó tính" này. Đặc biệt, số gạo "Cơm Việt Nam Rice" xuất khẩu sang Pháp được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Thời điểm đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, các lô hàng xuất khẩu vào châu Âu được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Về chủng loại chủ yếu là gạo thơm, trong đó có gạo thơm độc quyền Lộc Trời 28 đã đạt giải Nhất tại Hội nghị Thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 tổ chức tại Trung Quốc năm 2018 và đạt giải Nhất cuộc thi "Gạo ngon thương hiệu Việt" tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 (tháng 1/2022). Việc xuất khẩu những lô hàng mang thương hiệu riêng "Cơm Việt Nam Rice" vào châu Âu chính là bước khởi đầu trong hành trình đưa thương hiệu gạo của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới.
Để có mặt tại 2 hệ thống đại siêu thị Carrefour và Leclerc (Pháp), gạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất của châu Âu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn, mà còn phải thể hiện tính bền vững, ưu tiên bảo vệ con người, bảo vệ môi trường... |
Còn tại thị trường Nhật Bản, thời điểm bấy giờ, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long cũng chính thức lên kệ các siêu thị để bán trực tiếp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.
"Việc xuất khẩu được các sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng giúp nâng cao tính nhận diện cũng như doanh số tiêu thụ tại thị trường EU. Không những vậy, khi đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và có thương hiệu riêng tại các thị trường yêu cầu chất lượng cao, doanh nghiệp Việt có thể mạnh dạn đàm phán giá bán tương xứng với chất lượng mà không phải e dè cạnh tranh về giá so với các sản phẩm đại trà khác" - đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gạo chia sẻ và cho rằng, sau rất nhiều năm xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn "vô danh" hoặc phải đóng gói dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài, gạo Việt Nam đã từng bước được nhận diện bằng tên riêng với những thương hiệu hoàn toàn "made in Vietnam".
Hay như với trái vải tươi, tại thị trường Hà Lan, để quảng bá quả vải tươi của Việt Nam đến với người Hà Lan, giữa tháng 6/2021, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Công ty LTP Import Export BV và siêu thị Thanh Hùng tổ chức Chương trình "Vietnam fresh golden lychees - Taste it, love it" tại siêu thị Thanh Hùng, thành phố Spijkenisse. Người Hà Lan, Thái Lan, Indonesia... sinh sống tại Spijkenisse đã rất ngạc nhiên khi nếm thử quả vải thiều bởi ngon và hương vị khác biệt.
Chị Vân Anh - chủ siêu thị Thanh Hùng cho biết, bên cạnh việc sẵn sàng hỗ trợ trái vải quê nhà, chị mong muốn có nguồn hàng ổn định hàng năm để duy trì kinh doanh tại Hà Lan. Siêu thị Thanh Hùng đã kinh doanh quả vải Trung Quốc từ nhiều năm nay với chất lượng không bằng vải Việt Nam, lại có giá 22-25 Euro/kg.
Gian hàng của Việt Nam, với các sản phẩm trái cây nổi tiếng được khách hàng châu Âu ưa thích, trở thành điểm đến nhộn nhịp nhất Hội chợ triển lãm quốc tế về trái cây, rau quả Fruit Logistica ở Berlin, Đức vào năm 2023. Ảnh: TTXVN |
Tại Đức và Séc, chợ Đồng Xuân (Berlin, Đức) và chợ Sapa (Praha, Séc) được hình thành với quy mô như các trung tâm thương mại lớn để trao đổi, buôn bán các sản phẩm quê hương. Đây cũng chính là cửa ngõ để đưa hàng Việt Nam vào các thị trường này. Đặc điểm của các chợ này là các sản phẩm hàng Việt đều có giá thành rẻ hơn các sản phẩm bán tại siêu thị thông thường. Vì vậy, bên cạnh những người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây, các khu chợ còn thu hút nhiều người bản địa đến mua sắm và trải nghiệm các sản phẩm của người Việt.
Thực tế nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều loại nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, tiêu, điều... Đồng thời được biết đến như một trong những cường quốc về xuất khẩu dệt may, da giày... Và hàng Việt ngày càng khẳng định vị thế ở thị trường ngoài nước. Đây là một trong những thành quả lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đóng góp vào kết quả này, là Bộ chủ quản về xuất nhập khẩu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành khung khổ pháp lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đầy đủ, đồng thời minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi hóa thương mại. Đơn cử, Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2017 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 là văn bản cấp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bộ Công Thương đã ban hành 82 Thông tư và trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng đã chủ động, quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm cải cách hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tiêu biểu, Việt Nam đã kết nối C/O điện tử mẫu D với toàn bộ các nước trong khối ASEAN.
Và gần đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-BCT về Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu chung của Quyết định này là tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.
Chú trọng công tác xúc tiến thương mại
Để có được những thành quả này, không thể không nhắc đến công sức của những người làm công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu.
Nếu như trước năm 2020, liên tục những sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức, triển khai trực tiếp tại các quốc gia đối tác, thì từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cũng như hạn chế khả năng đi lại giữa các quốc gia, Bộ Công Thương đã liên tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tuyến nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam đến với doanh nghiệp bản địa. Nổi bật trong đó là hoạt động giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức từ tháng 7/2022 đến nay.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã được hỗ trợ hiệu quả thông qua nhiều chương trình Xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến do các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương tổ chức, phối hợp tổ chức.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có gần 60 Thương vụ và 7 chi nhánh Thương vụ dưới sự quản lý của Bộ Công Thương, trải đều tại các khu vực lớn trên thế giới. Các Thương vụ là "cầu nối", hỗ trợ các doanh nghiệp xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp; tư vấn các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp trước khi tiến hành ký kết hợp tác.
Còn nữa...