Dây chuyền sản xuất giấy Bãi Bằng ngày càng hiện đại |
Năm 1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần đầu tiên thực hiện chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển. Tiếp đến là các chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (năm 1976), Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999)… Nhiều lãnh đạo cấp cao của Thụy Điển cũng đã thăm chính thức Việt Nam như: Thủ tướng Carl Bildt (1994), Chủ tịch Quốc hội Birgiha Dahl (1995), Phó Thủ tướng Lena Hjelm-Wallen (1999), Bộ trưởng Ngoại giao Anna Lindth (2001), Nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gusstaf và Hoàng hậu (2004), Thủ tướng Goran Persson (2004)...
Cũng bởi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt mà từ cuối 1972, Chính phủ Thụy Điển hình thành ý tưởng viện trợ cho đất nước Việt Nam đang phải vật lộn với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xây dựng một nhà máy sản xuất giấy từ nguồn tiền viện trợ của Chính phủ với tiền quyên góp hỗ trợ của nhân dân yêu chuộng hòa bình Thụy Điển ủng hộ Việt Nam (khoảng 2,5 tỷ SEK – tương đương 415 triệu USD). Cần lưu ý, công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất giấy chính là một trong những thế mạnh kinh tế tiềm tàng của Thụy Điển.
Từ ý tưởng của Chính phủ Thụy Điển, tháng 10/1973, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký Quyết định phê duyệt “Nhiệm vụ thiết kế thi công công trình Nhà máy giấy Bãi Bằng” tại huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Khởi công vào năm 1974, sau 8 năm các chuyên gia, cố vấn kỹ thuật Thụy Điển sát cánh cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam xây dựng và nhà máy được khánh thành, đi vào hoạt động, cho ra những tấn sản phẩm giấy đầu tiên vào ngày 26/11/1982. Lúc này Việt Nam đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong thời kỳ bao cấp và giấy là một trong những mặt hàng thiết yếu mà hàng năm nhà nước phải nhập khẩu để phục vụ cho các nhu cầu bức thiết của xã hội. Với sản lượng hơn 30.000 tấn giấy xuất xưởng trong vài năm đầu rồi dần đưa lên hơn 40.000 tấn những năm giữa và cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, về cơ bản Việt Nam đã giải tỏa được “cơn khát giấy” tồn tại bấy lâu. Cùng thời gian thi công xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng, nhân dân và Chính phủ Thụy Điển còn viện trợ 25 triệu USD cho Việt Nam xây dựng một bệnh viện nhi.
Gần 40 năm qua, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện nhi Thụy Điển đã trải qua nhiều lần đổi tên: Nhà máy thành Công ty, rồi hợp nhất với Tổng công ty Giấy Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ công ty con; Bệnh viện Nhi Thụy Điển (có thời kỳ mang tên Thủ tướng Olop Palme) thành Bệnh viện Nhi Trung ương. Những năm gần đây, cả hai công trình đều đã được đầu tư mới về kỹ thuật, trang bị máy móc hiện đại, đáp ứng và phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu hai mảng lĩnh vực bức thiết của cuộc sống và xã hội Việt Nam…
Không chỉ những năm tháng khó khăn, khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, Thụy Điển cũng là quốc gia đi đầu, tích cực giúp đỡ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như IMF, WB. Những năm 90 của thế kỷ XX, Thụy Điển đã ký hàng loạt văn kiện với Việt Nam như: Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế; Hiệp định Hợp tác vận chuyển hàng không; Hiệp định hợp tác, hỗ trợ văn hóa…
Quan hệ hợp tác kinh tế được thực hiện chủ yếu dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Giai đoạn từ 1970 - 1990, Thụy Điển đã giúp Việt Nam gần 6 tỷ SEK (khoảng 950 triệu USD) để xây dựng một số công trình; phục hồi một số cơ sở công nghiệp, năng lượng. Khi Việt Nam bước sang thời kỳ đổi mới, Thụy Điển chuyển hướng sang giúp Việt Nam thực hiện các dự án: Cải cách kinh tế, hành chính, xây dựng thể chế, luật pháp, phát triển nguồn lực… Tổng số tiền Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam giai đoạn từ 1990 - 1998 là 1.630 triệu SEK (khoảng 230 triệu USD)…
Năm 2004, Thụy Điển thông qua Chiến lược Hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn đến 2008 và cam kết dành cho Việt Nam 300 triệu SEK (2005); 325 triệu SEK (2006) và 350 triệu SEK (2007). Năm 2008, Hiệp định trên tiếp tục được nới rộng triển khai đến năm 2011 với tổng giá trị trên 10 triệu USD, nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu nhiều đề tài kết hợp đào tạo tiến sỹ và các cán bộ khoa học có trình độ tương đương trong các lĩnh vực y tế, công nghệ sinh học, phát triển nông thôn bền vững, nông lâm ngư nghiệp, khoa học công nghệ.
Cũng như quan hệ hợp tác đầu tư, giao thương Việt Nam - Thụy Điển được khởi động từ khá sớm. Tuy nhiên, có thể do địa lý cách trở nên kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước nhiều thập niên chỉ ở mức khiêm tốn. Năm 2014, lần đầu tiên mới bứt ngưỡng 1 tỷ USD ( đạt 1,219 tỷ USD), tăng 7,5% so với 2013, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 962 triệu USD, nhập khẩu từ Thụy Điển 257,1 triệu USD. Từ trước nay, Việt Nam luôn xuất siêu sang Thụy Điển.
Nếu 4 - 5 năm trước, mặt hàng giày dép và dệt may là hai nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Thụy Điển thì 3 năm trở lại đây, các mặt hàng: máy vi tính, điện thoại và linh kiện đã vượt lên chiếm vị trí dẫn đầu. Chẳng hạn, năm 2014, điện thoại và linh kiện điện thoại xuất sang Thụy Điển đạt 518,1 triệu USD, tăng 7,13% so với năm 2013; trong khi đó, giày dép đạt 41,3 triệu USD, giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2013. Ba nhóm mặt hàng khác tăng kim ngạch so với năm 2013 là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 109,7 triệu USD, tăng 3,69%; dệt may đạt 77,4 triệu USD, tăng 6,61%... Về nhập nhẩu, năm 2013 Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Điển chủ yếu gồm: dược phẩm đạt 32,9 triệu USD, tăng 20,5%; máy móc, thiết bị đạt 101 triệu USD, giảm 31,2% so với năm 2012; năm 2014, máy móc, thiết bị đạt 136,2 triệu USD, tăng 34,85%, hóa chất đạt 11,9 triệu USD, tăng 33,7% so với năm 2013, trong khi các mặt hàng dược phẩm đạt 28,2 triệu USD, giảm 14,2%, sắt thép 8,1 triệu USD, giảm 9,1% so với năm 2013.
Ngày nay, khi nói đến thương hiệu giấy Bãi Bằng hay viện Nhi Trung ương, hàng triệu người Việt Nam vẫn biết đến đó là những công trình mang đậm tình hữu nghị, hợp tác giữa Thụy Điển - Việt Nam. Nói như bà Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - Camilla Mellander nhân dịp kỷ niệm 45 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (11/1/1969 - 11/1/2014) thì: Thụy Điển đã xây dựng và hình thành mối quan hệ độc nhất vô nhị với Việt Nam - mối quan hệ đặc biệt ấy hiện đang bước vào giai đoạn mới ở tầm cao và hiệu quả hơn! |
Bài 3: Ba Lan - Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Trung và Đông Âu
TIN LIÊN QUAN | |