Bài 1: Thực trạng các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ gây ô nhiễm môi trường Bài 2: Nan giải ''bài toán'' môi trường tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Thanh Hóa |
Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Chia sẻ với phóng viên Vuasanca về những nỗ lực của chính quyền địa phương trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, ngày 17/7/2019, UBND huyện Vĩnh Lộc đã phê duyệt tại Quyết định số 1269/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề chế tác đá Làng Mai. Theo đó, các cơ sở sản xuất trong làng nghề đều phải có Đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc cam kết bảo vệ môi trường; thực hiện báo cáo môi trường hàng năm theo quy định.
Huyện Vĩnh Lộc giao các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ký cam kết, thực hiện các quy định pháp luật về công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh QH) |
Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi rác tập trung của huyện theo hợp đồng của UBND xã, Công ty TNHH dịch vụ đô thị môi trường thương mại Phát Vĩnh Lộc và Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Bimivina. Đối với chất thải nguy hại được thu gom và lưu trữ vào thùng tại khu vực bố trí lưu trữ chất thải nguy hại và có hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có chức năng theo quy định.
Đối với nước thải ở làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Làng Mai, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt với lưu lượng khoảng 7,2 (m3/ngày.đêm); lượng nước sử dụng cho quá trình sản xuất, chế tác (xẻ, cắt và bào đá) trung bình là khoảng 2m3 nước/1m3 đá; lượng nước thải ra mương thoát nước và hố lắng tạm sau đó được các hộ sản xuất tuần hoàn tái sử dụng khoảng 40%, phần còn lại được chảy về ao lắng, hố lắng cặn bột đá (trong nước thải có khoảng 10% là bột đá) và sau đó thải ra hệ thống thoát nước chung của làng nghề.
Mương thoát nước thải và hồ lắng được bố trí nằm trong khuôn viên khu vực làng nghề, không nằm trong khu vực dân cư, do đó nước thải sản xuất không ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh. Các cơ sở sản xuất trong khu vực làng nghề đều đã xây dựng hệ thống bể tự hoại để xử lý nước thải sinh hoạt, dung tích các bể tự hoại đảm bảo xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt của các cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, quá trình sản xuất chế tác đá liên tục được cấp nước rửa đá và phun sương để giảm bụi trong các công đoạn xẻ, cắt, mài nên phát sinh bụi không đáng kể; phần bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển, bốc xếp đá là khoảng 0,14kg bụi/tấn đá. UBND huyện yêu cầu các cơ sở chế tác đá phải thực hiện phun nước, dập bụi tại mỗi cơ sở sản xuất; phun nước tưới đường giảm bụi dọc tuyến đường vận chuyển.
Các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) mong muốn sớm được nối đường nước thải vào cụm công nghiệp để giải quyết ô nhiễm môi trường (Ảnh QH) |
Đối với chất thải rắn sinh hoạt được chứa vào thùng đựng rác, thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi rác tập trung của huyện theo hợp đồng của UBND xã, Công ty TNHH dịch vụ đô thị môi trường thương mại Phát Vĩnh Lộc và Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Bimivina. Chất thải nguy hại gồm giẻ lau dính dầu, dầu thải và bóng đèn hỏng UBND huyện Vĩnh Lộc yêu cầu thu gom và lưu trữ vào thùng chứa tại cơ sở và xử lý theo hợp đồng xử lý chất thải nguy hại của huyện với các đơn vị có chức năng.
Chủ đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp
Ông Mai Xuân Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc cho biết: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn, trước mắt, UBND huyện đã giao cho các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ký cam kết, thực hiện các quy định pháp luật về công tác bảo vệ môi trường.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Để xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, năm 2020 huyện Vĩnh Lộc đề xuất dự án xử lý nước thải tại khu chế tác đá làng Mai với tổng mức đầu tư 9,1 tỷ đồng, hiện nay dự án đang triển khai thi công xây dựng. Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất sẽ được xử lý trước khi ra môi trường. Công ty TNHH BNB Hà Nội là nhà đầu tư đang xây dựng CCN làng nghề Minh Tân, sau khi xây dựng xong sẽ chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dọc quốc lộ 217 vào CCN tập trung, thì mới giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Công ty BNB Hà Nội cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Minh Tân để thu gom nước thải và di chuyển các cơ sở chế tác đá vào cụm công nghiệp. (Ảnh XC) |
“Công ty TNHH BNB Hà Nội đã cam kết trước ngày 28/4/2024 sẽ tiến hành xây dựng và đẩy nhanh tiến độ dự án CCN làng nghề Minh Tân. Huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc nếu có, sớm đưa CCN làng nghề Minh Tân vào hoạt động, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Trịnh Xuân Thắng cho biết.
Cũng theo ông Trịnh Xuân Thắng, để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, trước mắt và lâu dài huyện đang triển khai nhiều giải pháp. Hiện nay, huyện đang tiếp tục yêu cầu xã duy trì hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề. Tập trung đôn đốc các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ dụ án xây dựng nâng cấp, sửa chữa hệ thống thu gom xử lý nước thải và tuyến đường quản lý vận hành Cụm làng nghề chế tác đá Làng Mai xã Minh Tân. Chỉ đạo các phòng ban có liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất làng nghề.
Có thể nói, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đã tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc và Hà Trung là vấn đề nan giải. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung cần phải nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện đúng cam kết với chính quyền địa phương trong xử lý ô nhiễm môi trường, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.
Hy vọng, với sự quyết liệt của UBND các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung trong việc đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án các cụm công nghiệp sẽ là "đáp án" căn cơ để giải quyết triệt để thực trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Lộc và Hà Trung, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương.