Bài 3: Tăng cường xử lý tro xỉ
Theo dõi trực tuyến bãi thải tro xỉ tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 |
Tăng cường xử lý bằng công nghệ
Ông Thiên Thanh Sơn - Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 - chia sẻ, nhà máy sử dụng than cám 6a.1 với khối lượng tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn/năm. Lượng tro xỉ thải ra vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 90% là tro bay, còn lại là xỉ đáy lò. Diện tích của bãi xỉ khoảng 38,37ha, khối lượng chứa theo thiết kế là khoảng 9,3 triệu m3, đủ để chứa tro xỉ khoảng 7,2 năm. Thiết kế nền bãi xỉ bao gồm 3 lớp gồm lớp đất bảo vệ, lớp màng chống thấm và lớp đất đệm, đáp ứng các tiêu chuẩn chung về môi trường và TCXDVN 261:2001 về bãi chôn lấp chất thải rắn; bảo đảm không thấm nước bên trong bãi thải xỉ ra bên ngoài... Xung quanh bãi xỉ đã thiết kế lắp đặt hệ thống phun nước mạch vòng, sẵn sàng cấp nước để kiểm soát bụi trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - bãi thải xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 có diện tích 31ha, được thiết kế chống thấm và có đê quây. Kể từ khi vận hành nhà máy, ngoài biện pháp vận chuyển kín bằng dây chuyền từ nhà máy đến silo đặt sát cạnh bãi thải, đơn vị còn thực hiện lắp đặt phun nước tự động; trồng cây xanh hạn chế bụi phát tán.
Được biết, để giải quyết vấn đề tro xỉ, hiện NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh về việc tiêu thụ toàn bộ tro xỉ của nhà máy để sản xuất vật liệu xây dựng với thời gian thực hiện hợp đồng là 28 năm. NMNĐ Duyên Hải 1 cũng đã ký hợp đồng cùng 3 doanh nghiệp với số lượng khoảng 1,260 triệu tấn/năm; tiếp cận với 18 doanh nghiệp khác đến lấy mẫu thử nghiệm, đồng thời gửi văn bản đề nghị cho phép tận dụng tro xỉ của các NMNĐ Vĩnh Tân, Duyên Hải để san lấp mặt bằng khu công nghiệp Ông Kèo...
Chưa thể thay thế nhiệt điện than
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao trong bối cảnh thủy điện cơ bản đã khai thác hết, nguồn khí cho phát điện cũng dần cạn kiệt, năng lượng tái tạo còn hạn chế về nguồn và tính ổn định thì nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng, chủ yếu trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam thời gian tới.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam - cho biết, ưu điểm của nhiệt điện than là giá thành sản xuất thấp, vốn đầu tư không quá cao (khoảng 1.500 USD/kWh), khả năng huy động công suất lớn nên sản lượng điện phát ra lớn, thời gian xây dựng cũng không quá lâu. Tuy nhiên, nhược điểm của nhiệt điện than là dùng khối lượng lớn nhiên liệu, chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; có nguồn phát thải lớn ra môi trường, trong đó là tro xỉ và khí thải. “Về cơ bản, các công nghệ sử dụng trong các NMNĐ than ở Việt Nam tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà máy trong quá trình xây dựng và vận hành đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm gây bức xúc trong xã hội, vì vậy cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục” - TS. Nghĩa cho biết thêm.
Còn theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện năng lượng - vấn đề ô nhiễm môi trường nhiệt điện than hoàn toàn có thể giải quyết nếu sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại SC, USC (thông số hơi trên và trên siêu tới hạn) cho các dự án mới; tiếp tục cải tiên, nâng cấp kỹ thuật, công nghệ xử lý; tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành và các quy định về môi trường của nhà nước.
Cần giải pháp hỗ trợ cụ thể
Theo kết quả phân tích các mẫu tro xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 2 gần đây nhất, hàm lượng các kim loại nặng và các chất vô cơ đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 07:2009/BTNMT. Điều này cho thấy, tro xỉ tại các NMNĐ không phải là chất thải độc hại. Thậm chí, ở Hàn Quốc, tro xỉ được xem là nguồn nguyên liệu quý để dùng cho ngành công nghiệp vật liệu, xây dựng.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã xử lý tro xỉ theo hướng sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng với mục đích vừa tiết kiệm tài nguyên đất, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế, vì vậy EVN kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo nghiên cứu, ban hành hoặc cho phép áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của NMNĐ than. Thậm chí, cần có quy định bắt buộc để các công trình xây dựng sử dụng loại vật liệu này. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ.
Ông Nguyễn Văn Trình - Giám đốc công ty Sản xuất thương mại Nguyễn Trình tại Trà Vinh - cho biết, Nhà nước nên sớm đưa ra cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm này vì có nhiều lợi ích, vừa giúp giải quyết vấn đề môi trường, tiết kiệm tài nguyên, vừa mang lại cơ hội cho doanh nghiệp cũng như tạo việc làm cho người lao động.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban xây dựng các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than. Xây dựng cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, người dân thay thế gạch nung bằng gạch không nung.
Có thể khẳng định rằng, phát triển nhiệt điện than vẫn là giải pháp, xu hướng tất yếu tại Việt Nam, ít nhất là trong vài chục năm tới. Vấn đề đặt ra là cần sử dụng các công nghệ tối ưu, tăng hiệu suất vận hành tổ máy, xử lý hiệu quả các chất thải, làm tốt công tác quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường.
Là doanh nghiệp đầu tư, quản lý, vận hành các nhà máy điện,việc để phát tán khói bụi là trách nhiệm thuộc về EVN. Tuy nhiên, kể từ ngày xảy ra sự cố đến nay, EVN đã nhận thức đầy đủ vấn đề, kịp thời có giải pháp hành động khắc phục, đồng thời đang nỗ lực đầu tư thêm thiết bị hiện đại nhằm kiểm soát ô nhiễm nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường âu cũng là điều đáng ghi nhận cần được cộng đồng chia sẻ.