Bài 5: Tiếp tục tăng tốc trong đường đua hội nhập
Cơ hội vẫn là rất lớn
Thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, ông Phạm Trung Nghĩa – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế - nhận định, đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ,…
Xuất khẩu thủy sản thu về hơn 9 tỷ USD năm 2023 |
Cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp. Năm 2022, nhiều mặt hàng nông lâm thủy có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng trưởng 2 con số như thủy sản tăng 29,5%; rau quả tăng 34,2%; gạo tăng 50%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,1%.
“Vẫn có những ý kiến không hài lòng. Ví dụ xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng tỷ trọng chính vẫn nghiêng về các doanh nghiệp FDI (chiếm 77%). Hay với ngành chăn nuôi, chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh tương đối khốc liệt”, ông Phạm Trung Nghĩa chia sẻ.
Những vấn đề còn “không vui” theo ông Phạm Trung Nghĩa, nguyên nhân do sự phân chia lợi ích và khả năng tận dụng các lợi thế giữa các quốc gia khi ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, “trái ngọt” từ hội nhập là không thể phủ nhận.
Ông Phạm Trung Nghĩa cho hay, nếu như trước khi có Hiệp định EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào khối thị trường này đạt hơn 10% và sau khi có Hiệp định thì vẫn ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 10%, nhưng ở đây chúng ta cần nói đến trọng số xuất khẩu.
Điều này có nghĩa rằng khi con số xuất khẩu ở mức cao rồi thì việc chúng ta vẫn giữ được tỷ trọng tăng trưởng xuất khẩu ở con số cao như vậy thì đây là con số đáng được ghi nhận.
Hay câu chuyện về tỷ lệ sử dụng C/O trong Hiệp định CPTPP trong năm 2022 đạt 2,6 tỷ USD, mới chỉ chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung sang khối thị trường CPTPP.
Nguyên nhân do chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do với các nước khác trong khu vực CPTPP rồi, do đó, các doanh nghiệp có khuynh hướng tận dụng các FTA dễ dàng hơn bên cạnh việc tận dụng các ưu đãi về thuế.
“Cho đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) thực sự là một câu chuyện thành công", Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 18/1/2024.
Ông Bernd Lange cho biết, sau 3 năm thực hiện Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng trưởng 20%. Các dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã được dỡ bỏ 71%, trong khi ở chiều ngược lại, 65% dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam đã được dỡ bỏ. Một điểm đáng ghi nhận là trong quá trình thực thi hiệp định, hai bên đã cùng nhau thực hiện các cam kết, nghĩa vụ.
Ông Bernd Lange nhận định các hiệp định giữa EU và Việt Nam, trong đó có EVFTA, chính là "những hòn đá tảng, cột mốc quan trọng cho quan hệ giữa hai bên". Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, sự đối đầu, chủ nghĩa bảo hộ còn hiện hữu, đây là nền tảng rất tốt để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.
Giỡ rào, tăng tốc cho nông lâm thủy sản xuất khẩu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra trên diện rộng, nhiều rào cản kỹ thuật đang được dựng lên tại các thị trường lớn. Đáng chú ý, các nước lớn ưu tiên hợp tác song phương, do đó, vai trò của các định chế đa phương sẽ có phần mờ nhạt. Trên bình diện toàn cầu, các nước lớn ngày càng cạnh tranh quyết liệt, trong đó Mỹ và Trung Quốc có sự đối diện trực diện ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ.
Lợi ích mang lại từ tiến trình hội nhập được thể hiện ở con số xuất nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hay tăng trưởng kinh tế. Tham gia vào các FTA thế hệ mới (FTAs) như CPTPP hay là EVFTA, theo ông Phạm Trung Nghĩa đây là bước để các doanh nghiệp Việt Nam, để nông sản Việt tập dượt và làm quen với các quy định mới. Đồng thời, tiếp tục khẳng định Việt Nam ở một vị thế đặc biệt trong bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế.
Bởi thực tế, với cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành đã cố gắng mở cửa thị trường xuất khẩu, rất nhiều các FTAs, tuy nhiên, khả năng tận dụng của các doanh nghiệp vẫn chưa được nhiều.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định, quy tắc chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT); các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS); quy tắc nguồn gốc xuất xứ; chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; dán nhãn, môi trường, sản phẩm xanh,…
Chưa muộn nhưng cũng không phải là còn quá sớm, do đó, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp để làm sao có thể tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại.
“Nếu chúng ta không tận dụng được, ví dụ khối EU ký với Thái Lan – đây là thị trường có các mặt hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam, khi đó, chúng ta sẽ không còn nhiều lợi thế trong xuất khẩu sang khối thị trường này”, ông Phạm Trung Nghĩa nhấn mạnh.
Sầu riêng Việt Nam mặc dù ghi nhận một năm xuất khẩu bứt phá, nhưng sắp tới sẽ phải cạnh tranh với sầu riêng Malaysia ngay tại thị trường Trung Quốc |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, khi cánh cửa thị trường đã mở, sau đó vẫn có những hàng rào kỹ thuật, câu chuyện tiêu chuẩn xanh, hay xanh hóa sản xuất là thông điệp được nhắc đến trong suốt năm 2023.
“Chúng tôi cũng hi vọng rằng trong năm 2024 này, các doanh nghiệp có thể biến chuyển và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa mà các thị trường đã đặt ra, để từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường truyền thống và mở rộng tại các thị trường mà chúng ta có ký các FTA. Khi đó, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao hơn trong năm 2024 này”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Với thị trường Trung Quốc, ông Phạm Trung Nghĩa nhận định, đây là thị trường trước, đang và sẽ là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam không chỉ trong xuất khẩu mà cả trong nhập khẩu; không chỉ ở xuất khẩu chính ngạch mà còn cả hàng biên mậu; không chỉ đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn,...
Ông Phạm Trung Nghĩa cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập, tập trung tìm hiểu và nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh của mình để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng được cơ hội do các FTA và FTAs mang lại.
Tiếp tục khơi thông dòng chảy thương mại nông sản
Liên quan đến công tác xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện Việt Nam đang có lợi thế tương đối lớn đó là 16 FTA đã ký với hầu hết các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực thị trường mà chúng ta chưa khai thác được nhiều, trong đó có khu vực Trung Đông, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Trong thời điểm gần đây nhất, Bộ Công Thương cũng đã tập trung vào khu vực Trung Đông, trong đó Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán từ ngày 2/4/2023 sau hơn 7 năm với 12 phiên đàm phán và được chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023. Và sắp tới đây sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định với Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
"Đây là 2 cửa ngõ quan trọng trong việc đưa hàng hóa vào khu vực Trung Đông. Với khu vực châu Phi và Mỹ Latinh, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để có được đề xuất thích hợp, và trong trường hợp chúng ta đàm phán với các đối tác lớn ở các thị trường này thì sẽ xúc tiến, ký kết các FTA, qua đó có thể nói Việt Nam bao phủ được gần như toàn bộ các thị trường quan trọng trên thế giới", ông Trần Thanh Hải nhận định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Việt Nam đang từng bước đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Nếu như trước kia chúng ta bán sản phẩm ở thị trường thấp nhưng nay Việt Nam đã có nhiều tầng lớp sản phẩm vào thị trường cao cấp, trung cấp, thấp cấp. Chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị. |
Bài cuối: Xuất khẩu nông lâm thủy sản và kỳ vọng sẽ bước sang chương mới