Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn: Xử lý 4.842 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2022, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý 4.842 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (bằng 73,89% so năm 2021); khởi tố 349 vụ (tăng 7,72% so năm 2021), với 498 đối tượng (tăng gần 4% so năm 2021).
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả năm 2022 do Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 23/12, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng tỉnh, năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản được kiểm soát và giảm so với năm 2021.
Mặc dù vậy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong một số loại hình kinh doanh thương mại phi truyền thống chưa tương xứng với diễn biến tình hình thực tế. Sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng, các huyện, thành phố có thời điểm chưa chặt chẽ…
Thu giữ gần 100 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc tại Lạng Sơn |
Theo đó, trong thời gian tới,các cơ quan chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, đối với các lực lượng chức năng khu vực biên giới: Tiếp tục triển khai các biện pháp, chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua địa bàn quản lý.
Lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan tiếp tục nắm chắc địa bàn, duy trì thường xuyên quân số trực tại các lán trên tuyến biên giới. Tăng cường tuần tra kiểm soát chặt các đường mòn, khu vực cửa khẩu, không để hình thành các kho cất trữ hàng lậu tại khu vực cửa khẩu. Chủ động phối hợp với chính quyền các xã biên giới tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không tiếp tay, vận chuyển hàng lậu cho các đối tượng buôn lậu.
Cùng với đó, các cơ quan thuế, công an, quản lý thị trường tiếp tục tăng cường quản lý cấp phát, sử dụng hóa đơn; tăng cường nắm địa bàn, tập trung kiểm soát tốt trên khâu lưu thông, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các sở, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tăng cường thực hiện kiểm tra chuyên ngành; các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu; các cơ quan báo chí tăng tần suất tuyên truyền về chống buôn lậu...
Xác định dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, tinh vi hơn do tác động của các cơ chế, chính sách về lưu thông hàng hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thị trường nội địa cũng sẽ gia tăng.
Vì vậy, các lực lượng chức năng cần chủ động nắm bắt tình hình, kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu tại các khu vực biên giới, khu vực trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, không để hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường, không để hình thành các tụ điểm tập kết hàng lậu, hàng giả...
Riêng với lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn, đã tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đặc biệt trong đợt cao điểm cuối năm.
Đơn cử, thực hiện công văn số 894/CQLTT-NVTH ngày 27/9/2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2, đã tiến hành kiểm tra việc hoạt động kinh doanh rượu tại 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Đội 2 đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 2.300.000 đồng, đồng thời buộc chủ Hộ kinh doanh tiêu huỷ toàn bộ số rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây hại cho sức khoẻ con người.