Bàn giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam
Thị phần của DN Việt quá ít
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với độ mở rất lớn của ngành kinh tế, XNK của Việt Nam đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế, trong quá trình đó logistics có cơ hội phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các DN logistics Việt Nam chưa tìm được tiếng nói chung với các DN XNK, chưa tạo sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DN Việt Nam. Điều này dẫn đến việc nhiều DN XNK trong nước đang phải chịu các loại chi phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương ghi nhận tất cả những kiến nghị, đóng góp của DN, Hiệp hội và sẽ đưa vào dự thảo để trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, trong xu thế chung của nền kinh tế hiện nay, DN phải thể hiện rõ sự chủ động, đưa ra yêu cầu, phối hợp với cơ quan quản lý để có biện pháp phát triển logistics. |
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện chi cho hoạt động phí logistics chiếm khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển; từ 15-20% ở các nước đang phát triển. Chính vì thế, việc giảm chi phí logistics góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa một quốc gia.
Đánh giá về thực trạng hiện nay của ngành logistics Việt Nam, ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, nước ta có khoảng 1.300 DN logistics song chủ yếu làm giao nhận, vận tải… nên chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn với khoảng 25%. Các DN Việt Nam chưa có mạng lưới ở nước ngoài nên hoàn toàn phụ thuộc vào các DN nước ngoài.
Cũng theo ông Quang, các DN XNK Việt Nam sử dụng dịch vụ logistics vẫn nặng về truyền thống mua CIF bán FOB, chưa mạnh dạn hợp tác và chỉ khoảng 30% tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó chưa làm quen với việc thuê ngoài logistics hoặc tự làm.
Không chỉ yếu về năng lực, ngành logistics Việt Nam còn yếu về hạ tầng, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Tổng giám đốc Market Việt Nam cho biết, ngành vận tải biển đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: việc tăng trưởng nhu cầu của thị trường trên toàn cầu có dấu hiệu chững lại, dự kiến năm 2016 sẽ chỉ tăng từ 3-4%. Trong khi đó nguồn cung lại không ngừng gia tăng, dẫn đến mất cân bằng cung cầu và tạo áp lực về giá cho vận tải biển.
“Với vai trò là công ty kinh doanh vận tải, chúng tôi thấy có sự bất cập trong việc khai thác cảng biển tại Việt Nam khi có ít cảng biển thì quá tải nhưng có cảng biển đầu tư hiện đại thì lại không được tận dụng khai thác. Chẳng hạn như cảng Cái Mép, Thị Vải… dù hiên đại song lại không được sử dụng hết công suất và các hãng tàu đang gặp khó khi thuyết phục khách hàng sử dụng hai cảng này”, bà Ngọc Bích cho biết thêm.
Dưới góc nhìn DN, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, logistics luôn là mắt xích quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Với một DN sản xuất, xuất khẩu lớn như Hoa Sen thì giá cả hợp lý và giao hàng nhanh là 2 tiêu chí quan trọng hàng đầu và phụ thuộc rất lớn vào logistics. Tuy nhiên, các DN logistics của Việt Nam lại chưa tạo được niềm tin nơi chủ hàng khi không thương thảo được giá cả và hậu mãi cho DN.
Dẫn chứng cụ thể ông Vũ cho biết, năm 2014, khi quy định siết trọng tải xe được thực thi, giá cước vận tải đã tăng chóng mặt, gây nhiều tổn thất cho DN XNK. Hoa Sen đã chủ động thương thảo với các nhà vận tải để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, hạ giá thành vận chuyển song các DN vận tải không chấp nhận. Tình thế đó buộc Hoa Sen phải lập tức tự đầu tư thêm gần 40 xe container (tới nay là 200 xe) để chủ động chở hàng hóa, hạ giá thành. “Nếu các DN logistics biết cách tạo niềm tin cho chủ hàng, đưa chi phí giá thành hợp lý thì chúng tôi sẽ tin tưởng và chọn DN logistics là bạn đồng hành”, ông Vũ nói.
Cần xây dựng DN logistics mang thương hiệu Việt Nam
Theo TS. Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Nhà nước cần xác định rõ hơn trong chiến lược xem logistics là ngành mũi nhọn, gắn với chiến lược về kinh tế biển, bởi chúng ta có lợi thế mặt tiền nên cần tận dụng. Quy hoạch logistics gắn với quy hoạch cảng biển, hàng không, giao thông và cần xây dựng chương trình quốc gia dài hạn, nhưng có phân kỳ về phát triển logistics.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, không xây dựng luật logistics riêng mà nên rà soát lại các văn bản quy định về logistics để sửa chữa, bổ sung cho hoàn thiện, thống nhất. Hiện DN trong nước nhỏ, chưa có sự liên kết; muốn liên kết phải tạo được niềm tin, cung cấp dịch vụ đầy đủ cho khách hàng. Đặc biệt, cần xây dựng DN logistics mang thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.
Đồng quan điểm, ông Lê Phước Vũ cho rằng, ngành logistics ngoài việc phải xây dựng một vài DN đầu đàn về ngành logistics cần thiết phải tính toán làm sao hạ giá vận chuyển nội địa xuống bởi hiện chí phí vận chuyển nội địa quá cao.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Việt Nam nên tận dụng các cảng nước sâu để giảm tình trạng tắc nghẽn, khai thác các tàu có tải trọng lớn, có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa cho các nước lớn. đảm bảo kết nối giữa các nhà máy và các cảng biển, khuyến khích DN phát triển với thủ tục đơn giản, sử dụng thông quan điện tử, giảm việc sử dụng nhiều loại giấy tờ.